Nhờ chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp mà đời sống của đồng bào các dân tộc ở xã vùng cao Nậm Khánh (Bắc Hà) đang từng ngày được cải thiện.
Những ngôi nhà mới xây khang trang, những tuyến đường bê tông nối liền các thôn, bản, trường học, trạm y tế, trụ sở mới… được đầu tư, nâng cấp đang tạo nên một bức tranh tươi sáng nơi đây.
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm quan các mô hình kinh tế, ông Lý Văn Niệm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh cho biết: Địa phương có 4 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm gần 70%, còn lại là người La Chí, Nùng và dân tộc Kinh. Nậm Khánh bao năm qua nghèo lắm, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Xã có địa hình đồi núi đá dốc, khí hậu khá khắc nghiệt bởi mùa khô rất thiếu nước, mùa mưa lo bão lũ. Đây chính là lý do khiến xã Nậm Khánh lựa chọn cây chè và quế là mũi nhọn phát triển kinh tế.
|
Người dân xã Nậm Khánh vệ sinh đường giao thông nông thôn.
|
Cùng Phó Chủ tịch UBND xã tới thôn Giàng Trù, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Lý Văn Thanh, một điển hình trong phát triển kinh tế của cả xã Nậm Khánh. Trước đây gia đình anh Thanh thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn, năm 2012, anh được tập huấn nghề trồng trọt và chăn nuôi, đi thăm quan ở một số địa phương khác theo chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương và mọi sự đã thay đổi. Trở về địa phương, anh Thanh mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng để đầu tư sản xuất như trồng lúa, sắn, trồng quế và mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ tích cực lao động, mạnh dạn áp dụng biện pháp thâm canh mới mà kinh tế gia đình anh Thanh ngày càng khá lên. Năm 2014, anh Lý Văn Thanh chủ động xin rút khỏi danh sách hộ nghèo và được địa phương công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Đến thôn Làng Mới, chúng tôi thật sự ấn tượng với cơ ngơi của gia đình ông Lý Văn Hỵ, một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng rừng của xã. Dẫn chúng tôi đi tham quan đồi quế của gia đình, ông Hỵ cho biết, những năm trước, kinh tế gia đình chủ yếu là dựa vào cây ngắn ngày như ngô, sắn và chăn nuôi quy mô nhỏ. Năm 2006, khi Nậm Khánh rộ phong trào trồng quế, dần dà trong mấy năm, ông Hỵ cũng trồng được 7 ha quế trong số 9 ha rừng trồng. Ngôi nhà xây cấp 4 khang trang, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt khá hiện đại mà ông Hỵ vừa xây dựng cũng là nhờ trồng rừng mà có. Bên cạnh đó, ông còn trồng gần 2 ha chè Shan và nuôi trên 20 con dê thịt. Ông Lý Văn Hỵ cho biết, mỗi ha quế chặt thưa, tỉa cành, bán lá cho gia đình nguồn thu 20 - 30 triệu đồng, trung bình mỗi ha chè cho thu 10 triệu đồng/năm, cộng với tiền bán dê đã giúp gia đình ông có cuộc sống sung túc hơn và có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.
Ở Nậm Khánh, song song với công tác tuyên truyền, vận động thì mỗi cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào nuôi, trồng. Đến nay, tỷ lệ giống lúa mới chất lượng cao trên địa bàn chiếm tới 97% diện tích gieo trồng. Từ những thay đổi này mà tổng sản lượng lương thực năm 2014 của Nậm Khánh đạt 443 tấn, bình quân lương thực đạt 350kg/người/năm.
Một trong những hướng phát triển kinh tế với nhiều tiềm năng làm giàu mà bà con Nậm Khánh đang lựa chọn là kinh tế lâm nghiệp. Cách làm của địa phương là hỗ trợ cây giống cho nhân dân, đưa cán bộ nông nghiệp huyện xuống từng thôn bản, từng gia đình và trực tiếp đến nương, ruộng để hướng dẫn kỹ thuật đào hố, kỹ thuật trồng, theo dõi, giám sát chăm sóc cây rừng. Đến Nậm Khánh hôm nay là gặp màu xanh ngút ngát của 750 ha rừng phòng hộ, 200 ha rừng kinh tế. Năm 2015, xã Nậm Khánh có kế hoạch trồng mới 60 ha rừng, trong đó 45 ha quế và 15 ha thông và mỡ. Trong khi đó, cây chè Shan tiếp tục được trồng mới 15 ha, nâng tổng diện tích chè toàn xã lên hơn 50 ha, trong đó có hơn 30 ha chè kinh doanh.
Bức tranh kinh tế của xã Nậm Khánh đang tươi sáng từng ngày, năm 2014 xã có 10 hộ thoát nghèo, trong khi xã đã có 21 hộ sản xuất giỏi, 17 hộ khá. Những hộ điển hình tiên tiến có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm trước đây vốn là ước mơ của địa phương thì nay đã có những gia đình như ông Lý Văn Hỵ thôn Làng Mới; Lý Văn Niên thôn Giàng Trù…Kinh tế thay đổi tích cực đã giúp nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng và tham gia vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là chủ trương xây dựng hạ tầng nông thôn. Trong năm qua, bà con trong xã đã đóng góp hơn 1 nghìn ngày công lao động để đổ bê tông xi măng được 2,6 km đường nông thôn, mở mới 1,5 km đường nội đồng và cải tạo hàng chục km đường ngõ xóm, đường liên gia.
Rời xã Nậm Khánh khi chiều tà dần lạnh nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ấp áp trong lòng bởi những đổi thay trên miền đất này.