Ðắm say vòng xòe cao nguyên
Lượt xem: 506
Mùa xuân đến, khắp các bản, làng ở Tà Chải (Bắc Hà) lại rộn ràng vòng xòe và những câu hát: “Không xòe không vui/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe trai gái không thành đôi” vang vẳng giữa cao nguyên ngút ngàn hoa mận trắng.

Hồn xòe nơi “Cao nguyên trắng”

Trong chuyến công tác tại xã Tà Chải (Bắc Hà) để tìm hiểu nghệ thuật the, hay còn gọi là nghệ thuật xòe của người Tày nơi đây, chúng tôi được gặp gỡ nghệ nhân Lâm Văn Lù - cây “đại thụ” giữ hồn xòe Tà Chải. Vừa tra quyển sổ nhỏ đã ố vàng theo tháng năm, trong đó ghi lại quá trình hình thành và phát triển của xòe Tà Chải, ông vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về vòng xòe nơi cao nguyên này.

Xòe Tà Chải có từ rất lâu đời, từ khoảng thế kỷ XVIII, được phát triển lên từ phần hội của các nghi lễ cầu mùa, làm then...Đây là nét sinh hoạt văn hóa quan trọng bậc nhất của cộng đồng người Tày. Xòe Tà Chải còn gắn liền với vị chúa đất vùng này cách đây cả thế kỷ là Hoàng Yến Chao (cha của Hoàng A Tưởng), bởi ông rất quan tâm đến xòe. Khi xây dựng dinh thự Hoàng A Tưởng (khởi công năm 1914, hoàn thành năm 1921), ông đã cho thiết kế ở khoảng giữa của dinh thự một sân rộng làm sân xòe. Cũng từ đây, xòe Tà Chải được cải biên thêm những nét mới của văn hóa Pháp. Sự giao thoa giữa văn hóa Á - Âu đã khiến những vòng xòe thêm mềm mại, sinh động, vừa có nét phóng khoáng, dân dã của đồng bào vùng cao, vừa có chút nhẹ nhàng, lãng mạn của điệu Valse cổ điển. Đó là điểm làm nên sự đặc biệt của xòe Tà Chải so với xòe ở những nơi khác.

 emoticon

Vòng xòe trên Cao nguyên trắng luôn hấp dẫn du khách.

Ban đầu, những điệu xòe ra đời gắn liền với đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào vùng cao. Những điệu xòe truyền thống như phật khẩu, the khăn, the chụp... đều là những nhịp xòe phản ánh muôn mặt cuộc sống, được phác họa, mô phỏng bằng những động tác và nhịp điệu. Do vậy, xòe Tà Chải gần gũi và bình dị, nhưng có sức sống lạ thường.

Theo tài liệu nghiên cứu, sưu tầm của các nghệ nhân và ngành chức năng, xòe Tà Chải có 12 điệu, gồm 6 điệu xòe có nhạc đệm trống, chiêng và 6 điệu xòe nhạc đệm kèn, trống. Các điệu xòe có đệm trống, chiêng là tổ hợp của pa nhăm pa (bước dẫm bước), the hiếng hua (nghiêng đầu vai), tặp lăng (đập lưng), nhăm pa (dẫm bước), rộp bưng (dậm sàn), phật khẩu (đập lúa). Các điệu xòe có nhạc đệm kèn, trống là tổ hợp của the tối (xòe đôi), the xí căn (xòe bốn người), the mò pi-a (xòe mò cá), the khăn (xòe khăn), the chúp (xòe nón), the cơ (xòe cờ). Theo thời gian, người Tày nơi đây lại tiếp tục cho ra đời những điệu xòe mới, như xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè, xòe mời rượu... Sự ra đời của các điệu xòe mới làm cho kho tàng nghệ thuật xòe ngày càng thêm phong phú.

Người già ở Tà Chải vẫn bảo con cháu rằng: “Không thạo các điệu xòe cổ thì không xòe đúng và đẹp các điệu xòe khác”. Xòe vòng của người Tày nơi đây có những nét cơ bản: Đội hình xòe xếp thành hình vòng tròn; động tác chủ đạo cơ bản lặp đi lặp lại ở hai nhịp; xòe vòng tập thể có khả năng ứng biến linh hoạt thành nhiều điệu xòe khác nhau. Bên cạnh các điệu xòe, nhiều sản phẩm cũng được tạo ra từ quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật xòe như các đạo cụ xòe (khăn xòe, quạt xòe, nón xòe, lá xòe); nhạc cụ xòe (trống, chiêng, chũm chọe, kèn pí lè, đàn tính tẩu), trang phục và âm nhạc xòe... Bên cạnh đó, nhạc xòe chính là linh hồn của các điệu xòe truyền thống của người Tày Tà Chải.

Với mục đích tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây, từ năm 2012, các cấp, ngành địa phương đã phối hợp, nghiên cứu, khảo sát về nghệ thuật the của người Tày Tà Chải. Hành trình đi tìm danh hiệu cho nghệ thuật the được bắt đầu từ những câu chuyện của những nghệ nhân, sự kiên trì, quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương từ năm này qua năm khác. Và niềm vui đã đến với đồng bào Tày vùng cao nguyên Bắc Hà khi nghệ thuật the của người Tày Tà Chải đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào đầu năm 2015. Niềm vui của đồng bào nơi đây như được nhân lên gấp bội trong những ngày xuân, những vòng xòe như uyển chuyển hơn, những thanh âm xòe như vang xa hơn trên khắp núi rừng cao nguyên trắng.

Nhịp xòe còn mãi

Người Tà Chải có câu “Mí cốc chắng mí pai, mí sai chắng mí chứa” (Có gốc mới có ngọn, có cây mới có cành). Xòe Tà Chải là sự kế thừa và phát huy của bao thế hệ, đời ông cha đi trước truyền lại cho đời con cháu theo sau. Những thế hệ nghệ nhân đầu tiên như Vàng Văn Tỉ, Giàng Po Thai, Lăm Po Rằn... đã khuất núi, thế hệ lớp thứ hai như nghệ nhân Lâm Văn Lù, Vàng Thị Tiều... cũng chẳng còn nhiều. Nhưng “tre già măng mọc”, những “cây đại thụ”  xòe trên Tà Chải vẫn ngày ngày truyền dạy cho con cháu đời sau những làn điệu xòe truyền thống, giữ gìn hồn sắc dân tộc Tày nơi đây. Tiếng kèn, tiếng trống của ông, của cha như nhịp ru những đứa trẻ từ vành nôi, lớn lên đôi chút, đứa trẻ được ngắm nhìn điệu xòe của bà, của mẹ. Cứ vậy, vòng xòe của người Tày càng ngày càng rộng hơn, bởi thêm nhịp điệu, vòng tay của những thế hệ trẻ đang tiếp bước những điệu xòe truyền thống.

Trước đây, đội xòe của xã do nhóm nghệ nhân ở các thôn hợp lại, phục vụ trong các dịp lễ hội, các ngày lễ lớn. Khi xòe càng được nhiều người biết đến, nhu cầu thưởng thức nét đẹp văn hóa của người Tày Tà Chải được nhân lên, xã đã chỉ đạo thành lập các đội xòe ở các thôn, bản. Hiện, xã Tà Chải có 5 đội xòe ở 5 thôn (Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lang, Na Lo, Na Hô), mỗi đội từ 10 - 15 người. Theo các nghệ nhân, việc học xòe không khó, nhưng để học được, chữ “tâm” còn được coi trọng hơn chữ “tài” rất nhiều lần. Bởi lẽ, chỉ có tài không chưa đủ, phải có tình yêu, nhiệt huyết với xòe mới có thể theo đuổi dài lâu. Đây cũng chính là một trong những khó khăn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xòe của người Tày Tà Chải.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vàng Đình Vi, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Chải (Bắc Hà) cho biết: Việc giữ gìn xòe ở lớp thế hệ trẻ hiện nay gặp nhiều khó khăn, bởi có nhiều người vì cuộc sống đã chọn hướng đi khác để phát triển; trong các đội xòe chỉ còn số ít người trẻ ở lại gắn bó với nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo và kinh phí hoạt động cũng là những vấn đề mà xã đang gặp vướng mắc. Để khắc phục, xã đã xây dựng kế hoạch, lên phương án chỉ đạo các thôn, bản tiếp tục duy trì tổ chức thực hiện, hướng dẫn lớp trẻ các điệu xòe và kỹ năng chơi nhạc cụ; đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu giữa các đội xòe ở các thôn để thắt chặt thêm tình đoàn kết, khơi gợi niềm tự hào và đam mê của lớp trẻ ngày nay.

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển, Tà Chải là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Do vậy, cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng trên địa bàn đã chung tay phối hợp để tạo đà cho du lịch địa phương phát triển bằng việc đưa nghệ thuật xòe trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ du khách. Đây là cách làm hay, vừa lồng ghép, gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết, huyện đang nghiên cứu xây dựng một số cơ chế chính sách phù hợp để giữ gìn và phát triển nghệ thuật xòe Tà Chải, như: Nhóm chính sách về đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất; nhóm chính sách về đào tạo, tập huấn; nhóm chính sách về tôn vinh các nghệ nhân, khen thưởng các hạt nhân văn nghệ; xây dựng các giải pháp về xã hội hóa trong duy trì và phát triển nghệ thuật xòe...

Từ thực tế ở Tà Chải, huyện Bắc Hà đã thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, phục vụ phát triển du lịch”, đến nay, không chỉ Tà Chải, mà cách làm này còn được nhân rộng ở các xã như Na Hối, Lầu Thí Ngài, Nậm Khánh...

Với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, giá trị của nghệ thuật xòe của người Tày Tà Chải được nâng lên một nấc thang mới, không chỉ dừng lại đơn thuần là món ăn tinh thần truyền thống bao đời của đồng bào nơi đây, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, là nét đẹp gọi mời du khách gần xa đến với Tà Chải để được đắm say trong những điệu xòe.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1