Men theo tuyến đường nông thôn mới đẹp như dải lụa trên “Cao nguyên trắng” Bắc Hà, chúng tôi có mặt tại xã Hoàng Thu Phố khi người dân nơi đây đang “chinh phục” những cây chè cổ thụ để thu hái búp tươi. Nức tiếng đất Bắc Hà đã lâu về một thứ chè ngon trên núi, lần này chúng tôi mới có dịp “mục sở thị” những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Chè
ngon trên núi đá
Đưa chúng
tôi đi thăm vùng chè Shan tuyết cổ thụ, đồng chí Hoàng Seo Mào, Phó Chủ tịch
UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: Xã Hoàng Thu Phố hiện còn giữ được gần 10 ha
chè Shan tuyết cổ thụ, với vài nghìn cây, phân bố rải rác ở các thôn: Sỉn Chồ
1, 2; Hóa Séo Chải; Bản Pấy 1; Hoàng Hạ 1, 2. Trong đó, thôn Sỉn Chồ 1 và 2 là
điểm tập trung khá nhiều cây chè Shan tuyết cổ thụ. Không khó để nhận ra cả
rừng chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây, bởi từ xa đã nhìn thấy bạt ngàn cây chè mọc
cao như một rừng cây gỗ lớn. Những cây chè cổ thụ đang mùa ra búp, xanh mơn mởn
và đầy nhựa sống.
Không ai
ở Hoàng Thu Phố biết chính xác rừng chè Shan tuyết cổ thụ có từ bao giờ, nhưng
nghe nhiều người già trong bản ngày trước kể lại “sự tích” cây chè Shan tuyết
thì họ có được hạt giống để trồng là nhờ những chú khỉ rừng vứt vung vãi. Họ
nhặt về và ươm trồng quanh nhà. Cây lớn dần, người dân trong bản phát hiện ra,
những búp non của cây khi uống vào có cảm giác dễ chịu, bớt đi mệt mỏi. Thế
rồi, mỗi lần dời nhà đi tìm nơi làm nương, người Mông lại mang theo hạt để
trồng. Vậy là, rừng cây chè cứ tăng thêm từ ngày đó. Hầu hết, mỗi gia đình
người Mông nơi đây đều đã có ba thế hệ gắn bó với loài cây chè quý này. Có
người cho rằng, cây chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Sỉn Chồ 1, 2 đã có 200 - 300
năm. Có những cây chè cao gần 15 m, đường kính gốc gần 50 cm, tán và cành lá
sum sê, mỗi lần thu hái, người dân ở Sỉn Chồ đều phải trèo lên cao để thu hái.
|
Nông dân Hoàng Thu
Phố thu hái chè Shan tuyết.
|
Chị Sùng
Thị Cá, thôn Sỉn Chồ 1 đang hái chè, thấy chúng tôi liền dừng tay, trèo xuống
mời chúng tôi vào nhà uống nước. Rót chén chè Shan tuyết cổ thụ mời khách, chị
Cá cho biết: Sinh ra và lớn lên, tôi đã thấy trong vườn nhà có những cây chè to
rồi, anh em tôi cùng nhau vòng tay ôm không hết thân cây. Trước đây, ông bà, bố
mẹ năm nào cũng thu hái chè, giờ thì đến lượt anh em trong gia đình tiếp tục
chăm sóc và gìn giữ nương chè quý ông cha để lại... Hiện tại, gia đình cứ thu
hái búp tươi rồi sao, sấy bán cho tư thương đến tận nơi thu mua. Vì chè Shan
tuyết ở vùng này ngon và được nước, rất thơm hương và “ngọt hậu”, nên trở thành
sản phẩm hàng hóa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng tìm mua.
Mỗi người
Mông ở Hoàng Thu Phố luôn tự hào về những rừng chè Shan tuyết cổ thụ, bởi họ có
thêm thức uống có lợi cho sức khỏe, thậm chí có thêm thu nhập từ sản phẩm búp
chè và còn là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Vài năm trở lại đây,
rừng chè Shan tuyết cổ thụ đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của
nhiều du khách trong và ngoài nước trong hành trình khám phá “Cao nguyên trắng”
Bắc Hà. Khi đến đây, du khách không chỉ được thỏa thích chiêm ngưỡng những rừng
chè cổ thụ, mà còn tận mắt chứng kiến hình ảnh người dân vùng cao mang gùi sau
lưng, vắt vẻo trên những thân cây cao để hái những búp chè “siêu sạch”, sau đó
được thưởng thức những chén chè đậm đà hương vị của núi rừng.
Trăn
trở bảo tồn vùng chè cổ thụ
Mặc dù
chất lượng chè búp Shan tuyết cổ thụ ở Hoàng Thu Phố rất cao, nước xanh, đậm,
thơm và có vị ngọt, tuy nhiên, do mỗi năm chỉ hái được một lần, sản lượng không
nhiều, trong khi thị trường lại khá bấp bênh, nên người dân nơi đây dường như
không mấy “mặn mà” với loài cây này. Năm 1992, một số diện tích chè Shan tuyết
cổ thụ bị người dân chặt bỏ để lấy đất canh tác. Thậm chí, người ta còn chặt
cây chè cổ thụ để làm củi hoặc xẻ thành ván làm nhà. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng
Seo Mào vẫn còn nhớ năm 2011, đã có hộ dân đào cả cây chè Shan tuyết cổ thụ để
bán cho những người thích chơi cây cảnh khiến nhiều người dân ở Hoàng Thu Phố
“xót xa” lắm... Nhưng thật may, sau khi có dự án bảo tồn vùng chè cổ thụ, người
dân Hoàng Thu Phố đã nhận thức được mình có trong tay cả một “khó báu”, nên giờ
đây cây chè Shan tuyết đang được đồng bào Mông gìn giữ như “bảo vật”.
Trên địa
bàn huyện Bắc Hà hiện có xã Tả Van Chư và Hoàng Thu Phố có cây chè Shan tuyết
cổ thụ, trong đó tập trung chủ yếu ở Hoàng Thu Phố. Xác định cây chè Shan tuyết
cổ thụ không chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn giá trị cả về văn hóa, du lịch
và là nguồn gen quý, những năm gần đây, huyện Bắc Hà đã triển khai một số giải
pháp nhằm bảo tồn loài cây này. Đồng chí Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Kinh tế
huyện Bắc Hà cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân
bảo vệ vườn chè cổ thụ, duy trì diện tích cây chè Shan tuyết cổ thụ, thu hái và
chăm sóc đúng cách, không được chặt bỏ hoặc tác động làm ảnh hưởng đến diện
tích vùng chè. Đồng thời, ngành chức năng cũng tổ chức nhân giống chè quý bằng
phương pháp giâm cành để mở rộng diện tích giống chè Shan tuyết, phát triển
thành vùng chè hàng hóa, mang lại thu nhập cho nông dân.
Những
việc làm ý nghĩa đó thực sự cần thiết để bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ ở
Hoàng Thu Phố, để giống chè quý giữ mãi được hương thơm, vị đượm của thức uống
đặc sản “trời ban” ở vùng cao Bắc Hà. Cũng chính vì chè Shan tuyết cổ thụ đã có
tiếng, nếu chính quyền địa phương và người dân Hoàng Thu Phố không xây dựng
được thương hiệu thì thật tiếc cho giống chè quý nơi đây.