Sản phẩm Chè hữu cơ Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) vừa được hội đồng thẩm định OCOP tỉnh Lào Cai công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao của huyện Bắc Hà, mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp và người dân địa phương cùng chung tay giữ gìn thương hiệu, mở rộng vùng chuyên canh chè hàng hóa chất lượng theo hướng bền vững.
Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản
Liền được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp để phát
triển cây chè. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở Bản Liền cũng không biết cây
chè Shan tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ. Nhiều gốc chè có tuổi đời hàng
trăm năm, mọc cheo leo trên sườn núi dốc, hằng năm người dân vẫn đến thu hái,
mang về uống tươi, sao khô bán ra thị trường hoặc làm quà biếu khách quý.
Trước
đây, việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp không ít khó khăn, nhiều hộ ở Bản Liền gần
như bỏ hoang nương chè cho cỏ dại xâm lấn. Xác định chè là cây có giá trị hàng
hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên năm 2004, huyện Bắc Hà
đã thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho
người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi
nhận thức và quan tâm phát triển cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến
nay xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã
Chè Bản Liền.
Đặc
biệt, người dân đã chú trọng phát triển các vùng chè sạch, đạt tiêu chuẩn xuất
khẩu. Hiện trong số trên 500 ha chè Shan ở Bản Liền, có tới 400 ha được công
nhận chè hữu cơ với 310 hộ nông dân tham gia liên kết, sản xuất. Cuối năm 2017,
sản phẩm chè Shan Bắc Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ
cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ. Đây là động lực lớn để vùng
chè Bản Liền không ngừng mở rộng diện tích, người dân địa phương cũng thêm mặn
mà, gắn bó với cây chè Shan Tuyết.
Mới
đây, Chè hữu cơ Bản Liền được Hội đồng OCOP tỉnh và huyện đánh giá là sản phẩm
triển vọng, bởi chủ thể quản lý đã rất tích cực, đi đầu trong việc xây dựng
phương án kinh doanh, bao tiêu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu,
có liên doanh liên kết. Cùng với đó, sản phẩm đầu vào 100% là nguyên liệu địa
phương, người đứng ra quản lý, điều hành việc hỗ trợ sản phẩm lại là người bản
địa. Đây đều là những tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng các sản phẩm
(OCOP).
Hiện
chè Bản Liền đã có tên trên bản đồ chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định
chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Từ nhiều năm nay, đã xuất khẩu, chỉ cung ứng một
lượng nhỏ cho thị trường trong nước.
Trung
bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội
tiêu trong nước khoảng 600 - 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng
chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 - 100
triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô.
Bên
cạnh việc cung ứng chè cho HTX, doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở Bản Liền còn tự
sao và chế biến chè búp khô bán phục vụ tại địa phương và tại huyện cũng đem
lại nguồn thu nhập đáng kể. Cùng với việc được công nhận sản phẩm OCOP, chè hữu
cơ bản Liền được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị cao hơn trong tương lai, cải thiện
thu nhập cho người dân.
Minh Quang