LCĐT - Hiện, xã Tà Chải (Bắc Hà) đã đạt 19/19 tiêu chí, về đích sớm một năm so với dự kiến. Song, để duy trì các tiêu chí bền vững, đòi hỏi Tà Chải phải có những biện pháp tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Tà Chải là 1 trong 2 xã điểm của huyện Bắc Hà theo kế hoạch hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó, tiêu chí số 11 về thu nhập và tiêu chí số 12 về hộ nghèo mới đạt trong tháng 10/2014. Để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân, những năm qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành, xã Tà Chải đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân, cùng chung tay hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Tà Chải tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
|
Đường về bản Na Thá, xã Tà Chải.
|
Nét nổi bật của Tà Chải là đã chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đây được coi là hướng đi mới bền vững trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, phá thế thuần nông, đẩy mạnh xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Hiện, nhiều hộ dân ở các thôn như: Na Kim, Na Thá, Na Lo đã thành lập đội xòe biểu diễn phục vụ khách du lịch lưu trú tại địa phương; đầu tư cải tạo nhà sàn truyền thống; học cách nấu các món ăn ngon để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách... Cách làm này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho địa phương trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 11 và 12. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Vàng A Văn, thôn Na Lo. Nhờ biết phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Tày trong phát triển du lịch cộng đồng, nên kinh tế gia đình ông Văn ngày càng khá, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 15 lao động trong thôn với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Ông Vàng A Văn chia sẻ: “Từ khi phát triển kinh tế theo mô hình du lịch cộng đồng, gia đình tôi có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống cũng khá hơn trước nhiều”.
Cùng với đó, để thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 11 và 12, Tà Chải luôn chú trọng vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn mận tạp, phát triển cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới... Điển hình trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng là hộ ông Vàng Văn Thỉ, thôn Na Kim. Với hơn 100 cây đào Pháp trồng thay thế diện tích mận tam hoa đã thoái hoá, vài năm gần đây, gia đình ông Thỉ có nguồn thu ổn định từ 20 - 30 triệu đồng. Ông Thỉ cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên thu nhập chẳng là bao. Sau khi đầu tư trồng đào Pháp, kinh tế gia đình đã phát triển ổn định.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Tà Chải giảm đáng kể. Đến hết năm 2013, toàn xã còn 111 hộ nghèo; năm 2014, Tà Chải có thêm 46 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, về lâu dài, đối với một xã thuần nông như Tà Chải, việc duy trì bền vững tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là nhiệm vụ khó khăn. Ông Vàng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Tà Chải cho biết: Để duy trì bền vững tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, khó khăn lớn nhất của xã là việc thay đổi tập quán canh tác cũng như tư duy sản xuất của bà con, bởi nhận thức của một số người dân còn hạn chế, quen với phương thức sản xuất truyền thống. Mức thu nhập bình quân của xã mới chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh tập trung nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, thì làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là câu hỏi khó đối với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để duy trì kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, xã sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng đến yếu tố thị trường bao tiêu sản phẩm để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, nâng cao thu nhập.
Những hướng đi mới trong phát triển kinh tế đã và đang khẳng định hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực để Tà Chải hoàn thành mục tiêu xã điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2011 - 2015. Song, để duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt được, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn.