Năm 2024: Từ 90% đến 100% bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 cho các Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công
Lượt xem: 74
CTTĐT - Đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt từ 65 - 80%, đưa Việt Nam vào nhóm 8 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng IPv6; năm 2024 là từ 90% đến 100% bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 cho các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công. Đó là mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024 mới được Bộ Thông tin và Truyên thông (Bộ TT&TT) phê quyệt tại Quyết định số 377/QĐ-BTTTT.
anh tin bai

Đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 8 toàn cầu về tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet IPv6 trong năm 2024

Việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6 là một yêu cầu tất yếu nhằm đảm bảo tài nguyên địa chỉ cho phát triển Internet, kết nối vạn vật, Internet công nghiệp, với các dịch vụ mới như Internet vạn vật, điện toán đám mây, mạng 5G/6G...

Theo kế hoạch, năm nay Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt từ 65 – 80%, đưa Việt Nam vào nhóm 8 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng IPv6.

Về chuyển đổi IPv6 trên mạng và dịch vụ của cơ quan Nhà nước, mục tiêu của năm 2024 là từ 90% đến 100% bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 cho các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công.

anh tin bai

Trong năm 2024 đạt từ 90% đến 100% bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 cho các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công.

Đối với mạng và dịch vụ của doanh nghiệp, các chỉ tiêu cần đạt trong năm nay gồm có: Các tập đoàn VNPT, Viettel, FPT Telecom, MobiFone là 95% thuê bao FTTH, thuê bao di động hoạt động với IPv6; Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên toàn mạng doanh nghiệp đạt từ 80% trở lên.

Các doanh nghiệp khác, gồm: Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet - ISP, dịch vụ di động, trung tâm dữ liệu – IDC, dịch vụ đám mây (cloud), nội dung số và các thành viên địa chỉ Internet cũng được yêu cầu triển khai IPv6 cho mạng và dịch vụ của doanh nghiệp mình, với tỷ lệ sử dụng IPv6 phấn đấu đạt trong năm nay là 50%.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ TT&TT đã phân công cụ thể đơn vị chủ trì, phối hợp cho từng nhóm nhiệm vụ, với yêu cầu về công việc cần làm và kết quả, thời hạn phải hoàn thành. Bên cạnh việc lập kế hoạch tổ chức hội nghị về công tác chuyển đổi IPv6 năm 2024, 4 nhóm nhiệm vụ khác cần được tập trung trong năm nay là: Chuyển đổi IPv6 cho mạng Internet Việt Nam, IPv6 cho các cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov); Chương trình làm việc, giám sát, hỗ trợ chuyển đổi IPv6; Tập huấn, đào tạo; Công tác định hướng, tuyên truyền về IPv6.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 12/2023, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 59%, xếp hạng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 9 thế giới. Có 100% hạ tầng Internet quan trọng quốc gia hoạt động với IPv6. Các nhà mạng cũng đã tích cực chuyển đổi IPv6, với 76,48 triệu thuê bao Internet băng rộng sử dụng IPv6 tính đến cuối năm 2023, bao gồm cả thuê bao băng rộng cố định và di động.

Với khối cơ quan nhà nước, đến hết năm 2023, đã có 82/85 bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6; có 76 bộ, ngành, tỉnh, thành phố chuyển đổi thành công Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công sang dùng địa chỉ IPv6.

Tin khác
1 2 3 4 5 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1