Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - gọi tắt là chương trình OCOP, đang được huyện Bắc Hà và các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai tích cực. Đây được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Với huyện Bắc Hà, chương trình này đang được đặt nhiều “kì vọng”, sẽ thổi luồng gió mới góp phần đổi thay đời sống Nhân dân, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và mục tiêu giảm nghèo “bền vững” tại địa phương.
Trao đổi về “triển vọng” khi Bắc Hà triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Đồng chí Nguyễn Xuân Giang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Cơ hội từ chương trình sẽ rất lớn, khi 21/21 xã, thị trấn trong huyện xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung phát triển, đồng thời tham mưu kịp thời để ngành chức năng xem xét, có lộ trình giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các xã đang gặp phải, như vấn đề: Xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, quy mô lớn…Hiện nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đang chờ UBND tỉnh hoàn thiện phương án, kế hoạch để tổ để chức triển khai chương trình này. Tuy nhiên, xác định đây là chương trình quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương, huyện Bắc Hà đã chủ động trong công tác chuẩn bị.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện một số nội dung cần thực hiện "trước mắt" và "lâu dài", như mời chuyên gia đến tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình (OCOP) phù hợp với đặc điểm thực tế của địa phương, tiếp đó là việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng kí các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình OCOP - Đồng chí Nguyễn Xuân Giang cho hay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Giang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện trao đổi với phóng viên về triển vọng khi làm OCOP tại Bắc Hà
Cũng theo Đồng chí Giang: "Hiện nay, khi huyện vùng cao Bắc Hà đang trong quá trình phát triển Du lịch - Dịch vụ, sẽ có rất nhiều lợi thế và “triển vọng” khi áp dụng chương trình OCOP - “mỗi xã một sản phẩm”. Qua rà soát, đã có không ít sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền mà chỉ riêng Bắc Hà mới có. Toàn huyện hiện có khoảng 28 sản phẩm lợi thế. Đây là các sản phẩm có giá trị kinh tế, giá trị thương mại cao và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần...trong đó, các sản phẩm này chia ra thành 5 nhóm, gồm nhóm thực phẩm có 12 sản phẩm; đồ uống 4; thảo dược 6; lưu niệm 2 và nhóm dịch vụ nông thôn 04 sản phẩm.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và huyện, đã có một số sản phẩm nông sản chủ lực đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có thể kể đến: Đặc sản gạo Khẩu Nậm Xít, chè Shan Bắc Hà, rau Bắc Hà, mận Bắc Hà, Rượu Bản Phố...Hiện nay, huyện Bắc Hà cũng có thêm sản phẩm "Quế hữu cơ Nậm Đét" đang được tổ chức phát triển Hà Lan hỗ trợ kinh phí, trình Cục Sở hữu trí tuệ công nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Điều đáng ghi nhận, là thông qua chương trình giới thiệu tiềm năng du lịch, các lễ hội truyền thống địa phương, và đặc biệt là “tuần văn hóa du lịch Bắc Hà năm 2018” tổ chức đầu tháng 6/2018, các sản phẩm nói trên đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Dù vậy về lâu dài, các sản phẩm này vẫn cần được “tạo đà” để khẳng định thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, len lỏi vào các thị trường khó tính, siêu thị lớn.
Người dân Na Hối đang khẩn trương làm đất, sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019
Tìm hiểu về thực trạng sản xuất, cơ hội phát triển và những khó khăn cần tháo gỡ khi thực hiện chương trình (OCOP) tại địa phương, chúng tôi tìm về 2 xã Thải Giàng Phố và Na Hối. Đây là những xã có sản phẩm nông sản đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vù Thị Máy - Phó chủ tịch UBND xã Thải Giàng Phố cho biết: "Vùng cao Thải Giàng Phố từ lâu đã được biết đến với Thương hiệu "Gạo đặc sản Khẩu Nậm Xít" được thị trường rất ưu chuộng, tìm mua.. giá bán cũng cao, ổn định, giao động từ 25 -27 nghìn đồng/kg. Mặc dù diện tích cấy lúa Khẩu Nậm Xít hàng năm của xã rất ít, chỉ khoảng 3 ha, tập chung tại 2 thôn Ngài Ma và Nậm Thố, năng xuất thu hoạch cũng thấp hơn các giống lúa khác, tuy nhiên giá bán lại cao, ổn định nên mang lại hiệu quả kinh tế rất thiết thực. Chính quyền xã rất mong khi chương trình OCOP triển khai sẽ giúp quy hoạch, mở rộng vùng sản xuất, để lợi ích từ giống lúa này càng thiết thực hơn với địa phương..”
Còn với Xã Na Hối - Địa phương được biết đến với thế mạnh sản xuất rau an toàn, rau trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Đồng chí Sùng Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, các sản phẩm Rau Bắc Hà nói chung đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Khi huyện Bắc Hà triển khai chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm”, chúng tôi thấy rất phấn khởi. Năm 2018, xã Na Hối cũng mạnh dạn đưa cây Rau bản địa tham gia chương trình này. Thực tế, trước đây mặc dù đã có HTX, xong bà con trồng rau xã Na Hối vẫn rất loay hoay với việc tìm nguồn tiêu thụ. Hiện nay, tình hình ấy đã được cải thiện do việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, tuy nhiên về lâu dài, xã hi vọng được ngành chức năng của huyện hỗ trợ thêm về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, có cơ chế hỗ trợ để bà con phát triển thương hiệu rau bản địa để nông dân không phải sản xuất theo phong trào rồi bị cuốn vào vòng xoáy được mùa mất giá hoặc ngược lại...Cùng với diện tích hơn 1,5 ha rau trái vụ đang cho thu hoạch, vụ đông xuân 2018-2019 này, xã tiếp tục trồng mới 30 ha rau màu, tăng hơn 5 ha so với cùng kì năm trước…Nếu chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có thể giải quyết được những khó khăn trên thì có lẽ bà con nông dân sẽ rất tích cực tham gia”.
Cây rau trái vụ đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các hộ trồng
Sau bao thăng trầm, hiện nay các sản phẩm chè shan Bản Liền, dược liệu atiso, rượu Bản Phố…đã có các doanh nghiệp, HTX hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do đó lợi thế phát triển rất khả quan, có thể mở rộng sản xuất, đặc biệt với sản phẩm chè Shan Bản Liền - Đã có tên trên bản đồ Chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU, tiếp đó là các sản phẩm dược liệu, bánh chưng đen, quế hữu cơ Nậm Đét cũng có rất nhiều lợi thế để phát triển.
Về giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực trong thời gian tới, huyện Bắc Hà sẽ triển khai tại 21/21 xã, thị trấn, trong đó dự kiến từ giai đoạn 2017 - 2020, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, nổi tiếng, có lợi thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, phục vụ khách du lịch; năm 2018 – 2019, thực hiện chứng nhận 02 nhãn hiệu là “Ngựa Bắc Hà” và “Dược liệu Bắc Hà”. Giai đoạn 2020 – 2030 sẽ mở rộng tất cả các sản phẩm truyền thống có tiềm năng phát triển thành hàng hóa.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện cũng chú trọng đến các giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP Bắc Hà cho cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình. Sớm đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy các cấp; chính quyền các cấp để có kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp. Tiếp đó, quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, đăng ký thương hiệu, thường xuyên tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại về hàng hóa nông sản của địa phương sản xuất, chế biến nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ưu tiên chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp; có chính sách hợp lý về đất đai, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, tạo nguồn nhân lực tại địa phương.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Xuân Giang - Trưởng phòng NN &PTNT huyện Bắc Hà: “Chương trình “ mỗi xã 1 sản phẩm” nếu được triển khai bài bản sẽ rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, quan trọng hơn cả là góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Thêm vào đó, chương trình sẽ thổi một luồng gió mới giúp các xã của huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM từ nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm sản xuất của huyện còn ở quy mô nhỏ lẻ, thủ công, thị trường tiêu thụ không ổn định; một số sản phẩm chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn chất lượng…nên việc phát triển còn nhiều khó khăn...Muốn thực hiện tốt chương trình OCOP ở Bắc Hà, sẽ rất cần sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành và hơn hết là sự đồng thuận, tham gia tích cực từ phía mỗi người dân.
Định hướng của huyện là sẽ phát triển các sản phẩm thế mạnh trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân. Trước mắt, sẽ chọn sản phẩm nổi bật để phát triển trước rồi dần dần nhân rộng, tiếp đó sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, vận động các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu…nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện Bắc Hà./.
Tác giả: Khuất Linh
Nguồn: http://huyenuybacha.laocai.org.vn