ĐẢNG BỘ HUYỆN BẮC HÀ: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH
Lượt xem: 1748
PHẦN I: Quá trình vận động thành lập Ban cán sự Đảng
         Là một huyện vùng cao nằm ở phía đông bắc của tỉnh Lào Cai, từ xa xưa Bắc Hà đã là một bộ phận thống nhất của nước Việt Nam. Nhân dân các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, giàu tình yêu quê hương đất nước. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữa nước nhân dân các dân tộc Bắc Hà  cùng các dân tộc trong cả nước, đồng lòng chung sức, kiên cường xây dựng và bảo vệ quê hương. Truyền thống quí báu đó được nuôi dưỡng, vun đắp và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt từ khi đảng ta ra đời, truyền thống đó được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc.

         Dưới ánh sáng của Đảng, trong màn đêm đen nô lệ, các dân tộc huyện Bắc Hà cùng nhân dân các dân tộc Lào cai và đồng bào trong cả nước phát tan ách thống trị của thực dân pháp, chính quyền phong kiến tay sai, quét sạch quân tưởng ra khỏi biên giới, đập tan âm mưu gây phỉ của địch,  giành thắng lợi hoàn toàn, lập nên chính quyền cách mạng, thắng lợi đó đưa nhân dân các dân tộc Bắc Hà bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

 Toàn cảnh thị trấn Bắc Hà

PHẦN I:

Quá trình vận động thành lập Ban cán sự Đảng

Bắc Hà cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, huyện Bắc Hà có địa giới hành chính khác nhau  và sự sáp nhập chia tách với huyện Si Ma Cai. Đến nay Thực hiện nghị định 36 năm 2000 của Chính phủ, huyện Bắc Hà chính thức có 20 xã và 01 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là  68.176 ha. Nơi qui tụ sinh sống của 14 dân tộc anh em.

Là quê hương vùng cao có bề dày truyền thống chống giặc ngoại xâm. Trong thời kì Phong kiến đồng bào các dân tộc Bắc Hà đã đóng góp một phần lớn vào chiến công chung, bảo vệ vững chắc vùng biên cương tổ quốc.

Thời kì thực dân Pháp xâm lược tiếp nối truyền thống cha ông, nhân dân các dân tộc Bắc Hà đã không ngừng đấu tranh, đánh đuổi quân xâm lược giành độc lập cho quê hương. Khi Đảng ta ra đời. Với đặc thù là huyện miền núi, nhiều dân tộc sinh sống, bị thực dân phong kiến, chế độ Thổ ti kìm hãm, khống chế về mọi mặt nên ảnh hưởng của cách mạng, của Đảng đến với nhân dân các dân tộc Bắc Hà gặp rất nhiều khó khăn. Cách mạng tháng Tám thành công, việc giành chính quyền  ở Thủ đô Hà Nội và các nơi khác trong cả nước đã tác động dồn dập đến với nhân dân  thị xã Lào Cai và các huyện trong tỉnh. Do không có tổ chức Đảng lãnh đạo, nên việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào Cai nói chung và Bắc Hà nói riêng không thực hiện được.

Tháng 9 năm 1946. Ban cán sự Đảng Tỉnh Lào cai ra đời, sau khi thành  lập ban cán sự đã bàn kế hoạch giải phóng Lào Cai, trong đó có nội dung vận động các Thổ ty tham gia đánh Quốc dân đảng giải phóng Bắc Hà. Ban cán sự Đảng tỉnh đã thành lập phái đoàn công tác gồm đồng chí Bùi Quang Tạo xứ uỷ Bắc Kì, đồng chí Bằng Giang tư lệnh Quân khu mười  cùng đồng chí Ngô Minh Loan vào Bắc Hà để thuyết phục các Thổ Ty. Đoàn đã mang theo thiếp và ảnh Bác Hồ lên thuyết phục, kêu gọi các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số đặc biệt là tầng lớp thổ ty đoàn kết đánh giặc, giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của Quốc dân đảng. Bằng nhiều hình thức vận động có sức thuyết phục. Nhiều thổ ty đã theo cách mạng và chỉ trong một thời gian ngắn, bộ đội chủ lực của ta cùng với lực lượng thổ ty đã quét sạch bọn Quốc dân đảng, giải phóng Bắc Hà – Si Ma Cai. Ngày 25 tháng 10 năm 1946 huyện Bắc Hà được giải phóng hoàn toàn khỏi sự thống trị của Quốc dân đảng. Với chủ trương đúng đắn của Trung ương cùng sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh uỷ, sự phối hợp đoàn kết của nhân dân. Các dân tộc Bắc Hà đã giải phóng mình khỏi ách cai trị của bọn phản cách mạng. điều đó khẳng định vai trò và ý nghĩa của phái đoàn cán bộ Trung ương trong việc vận động thổ ty tham gia đánh Quốc dân đảng là rất lớn. Qua đó niềm tin của nhân dân với Đảng, chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng sâu đậm bền chặt. Để làm tốt công tác vận động quần chúng nhằm ổn định mọi mặt sau ngày giải phóng. Ngày 27/10/1946 tại nhà Seo Sán – Tư sản người Hán ( Nay là Bưu điện huyện Bắc Hà ). Những cán bộ chủ chốt, cán bộ trưởng thành trong công tác vận động thổ ty đánh Quốc dân đảng đã quyết định thành lập chính quyền quân quản và cử đồng chí Cao Tử Kiến làm chủ tịch.

Nhằm đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, tháng 12 năm 1946, tỉnh uỷ chỉ định thành lập uỷ ban hành chính huyện thay thế cho chính quyền quân quản. Lúc này Đảng ta rất chú trọng công tác mở rộng mặt trận, thống nhất, đoàn kết các dân tộc và coi đây là một việc trọng yếu vì Pháp có âm mưu lôi kéo các dân tộc thiểu số  lập các vùng tự trị. Bằng phương pháp vận động khéo léo ta đã tranh thủ các tầng lớp trên, tạo điều kiện cho việc thành lập chính quyền và xây dựng củng cố phát triển phong trào cách mạng. Song song với công tác vận động, Uỷ ban hành chính đặc biệt chú trọng công tác xây dựng cơ sở ở đại phương, đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ nhân dân, để nhân dân hiểu được đường lối chính sách của đảng và Chính phủ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng địa phương, ta đã chú ý công tác xây dựng đảng. Tháng 2 năm 1947 Tỉnh tăng cường thêm 2 đồng chí vào cho tổ công tác Bắc Hà và thành lập chi bộ Đảng tại phố trên gồm 3 đảng viên. Đồng chí Cao Tử Kiến vừa là người đứng đầu chính quyền quân quản  vừa trực tiếp làm bí thư chi bộ. Sự thành lập chi bộ đảng thực sự là điều kiện tiền đề, tiên quyết đối với sự vận động thành lập Ban cán sự Đảng ở huyện sau này.

Tuy Bắc Hà mới được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của bọn phản động Quốc dân đảng nhưng tình hình còn nhiều khó khăn phức tạp. Được Pháp hà hơi tiếp sức, một số Thổ ty lớn đã dùng mọi thủ đoạn để chống phá cách mạng. Bọn Thổ ty Hoàng Yên Chao, Hoàng A Tưởng, Hảng Sào Lùng, Hoàng Lao Vu ….lộ rõ bộ mặt phản động đòi “địa phương tự trị”.

Như vậy kể từ khi Bắc Hà giải phóng khỏi sự thống trị của bọn Quốc dân đảng đến cuối năm 1947, nhân dân các dân tộc Bắc Hà lại bước vào một cuộc chiến đấu mới, kháng chiến chống thực dân pháp và bè lũ tay sai, giải phóng quê hương. Trước bộ mặt phản động của bọn thổ ty, nhằm bảo toàn lực lượng, đoàn cán bộ của ta đã từng bước tổ chức đưa nhân dân rút về Lục Yên. Để đẩy nhanh cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi, tháng 3 năm 1948 tỉnh uỷ Lào Cai mở hội nghị tại Lục yên nhận định tình hình và quyết định chủ trương xây dựng cơ sở đấu tranh trong vùng địch kiểm soát. Theo đó ngày 20/4/1948, tổ công tác do đồng chí Trần Thịnh làm tổ trưởng đã bí mật lên đường  vào Bắc Hà. Trong thời gian này tổ công tác đã kiên trì bắt liên lạc với người đúng đầu có uy tín với quần chúng để tuyên truyền vận động. Trong vòng gần 2 tháng tổ công tác đã phát triển được một số cơ sở ở Bảo Nhai, cốc ly, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Nậm Mòn và  xây dựng các tổ du kích.

Suốt trong thời gian dài từ khi Pháp tái chiếm Bắc Hà cuối năm 1947 đến cuối năm 1949 Tỉnh Lào Cai đã tăng cường nhiều cán bộ vào xây dựng cơ sở ở Bắc Hà. Nhưng trước âm mưu thâm độc của kẻ địch, nhiều cơ sở của ta bị  truy quét và chịu tổn thất nặng nề, một số cơ sở bị phá vỡ, một số cán bộ của ta hy sinh, nên việc mở rộng cơ sở chưa thực hiện được. Tuy vậy, sau hơn 3 năm hoạt động tại vùng địch hậu tổ công tác đã gây được lòng tin yêu của quần chúng nhân dân, nhân dân tin theo đảng và tin theo cách mạng, đồng thời ta đã giáo dục và rèn luyện được một số quần chúng ưu tú, đặc biệt là một số cán bộ người địa phương. Nhằm khôi phục cơ sở bị mất và mở rộng địa bàn, chuẩn bị cho chiến dịch biên giới  cuối năm 1949. Tỉnh uỷ thành lập tổ công tác gồm 5 đồng chí  được điều động từ các huyện khác nhau vào Bắc Hà hoạt động . Gồm các ĐC Nguyễn Quang Tự, Dương Việt Tiến, Nguyễn Ngọc Phan, nguyễn Thiệu, Nguyễn Lữ và đồng chí Thành. Đầu năm 1950 tỉnh tăng cường thêm đồng chí Lý Hán Sinh từ Mường Khương sang. Trong thời gian này, nhằm làm chuyển biến cục diện chiến tranh, Ban thường vụ Trung ương đảng chỉ thị cho liên khu 10 mở chiến dịch lê Hồng Phong Màn I, tiêu diệt tàn quân Quốc Dân Đảng  và lấy Lao Cai làm hướng chính. Lực lượng tham gia gồm trung đoàn 102 của bộ tổng tư lệnh, trung đoàn 165 của liên khu 10 cùng một số đơn vị pháo binh. Đầu tháng 2/1950, chiến dịch Lê Hồng Phong màn I bắt đầu nổ súng  và giành thắng lợi. Tổ công tác Bắc Hà lúc này đã tích cực tuyên truyền chiến thắng của quân và nhân dân ta trên các mặt trận và đường lối kháng chiến của Đảng. Qua  tuyên truyền, vận động, tổ công tác đã tạo nên niềm tin trong nhân dân và xây dựng được một số cơ sở vững chắc ở Bảo Nhai, Nậm Lúc, Cốc Lầu và Cốc Ly. Trước thắng lợi liên tiếp của chiến dịch Lê Hồng Phong màn I, tổ công tác Bắc Hà đã chỉ đạo nhân dân du kích đứng lên giành lấy đất đai ở thôn Bản Mẹt, Khởi Xá, cốc Lầu và Nậm Mòn, các cơ sở ở Nậm trì trong, Cốc Đào đã được khôi phục lại, đồng thời đã lôi kéo được một số thổ ty như Hoàng Lao U.  Sau chiến thắng đồn Phố Lu nhằm tăng cường sức chiến đấu cho Tổ công tác, chuẩn bị giải phóng huyện Bắc Hà. “Ngày 12/03/1950 Tỉnh uỷ quyết định thành lập Ban cán sự Đảng huyện Bắc Hà”. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời cũng như bước trưởng thành lớn mạnh của tổ chức đảng hoạt động tại Bắc Hà.  Ban cán sự đảng ra đời hoàn toàn phù hợp với qui luật phát triển của cách mạng, đó là kết quả của quá trình đấu tranh hy sinh gian khổ lâu dài của các thế hệ cán bộ, tổ công tác hoạt động, gây dựng cơ sở chiến đấu tại Bắc Hà trong những năm 1946 – 1950. Sự ra đời của Ban cán sự đảng huyện Bắc Hà đánh dấu một bước ngoặt quan trong, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc trong huyện. Đó là nguyên nhân dân đến thắng lợi vẻ vang của công cuộc giải phóng Bắc Hà sau này. Chiến dịch Lê Hồng Phong màn I kết thúc thắng lợi, bộ đội rút khỏi Bắc Hà. Lúc này bọn địch ở Bắc Hà tăng cường tuyển mộ nguỵ quân, chuẩn bị cho cuộc càn quét lớn ở vùng mới giải phóng. Trước các hoạt động của địch, ta chủ trương tích cực chuẩn bị chống càn   giữ vững cơ sở, phát huy thế mạnh chiến tranh nhân dân. Ban cán sự đảng Bắc Hà đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân  các dân tộc chuẩn bị kháng chiến với tinh thần toàn dân, toàn diện. Ngày 10/9/1950 chiến dịch Lê Hồng Phong màm II khai cuộc. bộ đội ta  từ Nghĩ Đô - Bảo Yên tiến về Bắc Hà, Trải qua nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt đến ngày 20/9/1950 trước sức mạnh của bộ đội cùng với lực lượng dân quân du kích địa phương, quân địch đã rút chạy khỏi Bắc Hà. “Ngày 20/9/1950 Bắc Hà chính thức được giải phóng”. Đây là dấu ấn lịch sử,  mở ra cho nhân dân các dân tộc Bắc Hà một thời kì mới. khẳng định công lao to lớn của Ban cán sự đảng huyện trong việc lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết phối hợp cùng bộ đội chủ lực lật đổ bọn tay sai phản động và thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương (còn nữa)./.

Tin tức
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1