Từ
trước thế kỷ XVIII cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà đã có phong tục diễu
hành ngựa vào ngày ngọ đầu tiên của năm mới nhằm cầu cho một năm mới bình
an, mưa thuận, gió hòa, đây cũng là thời điểm báo hiệu chuẩn bị cho một mùa
canh tác mới, lao động mới sau thời gian nghỉ ngơi của cả con người và vật nuôi.
Sau mỗi lần
diễu hành như vậy các chàng trai người Mông, người Tày, người Nùng…lại thường
rủ nhau thi cưỡi ngựa. Qua tìm hiểu thực tế tại các thôn bản cho thấy, hoạt
động thi cưỡi ngựa của đồng bào còn xuất hiện ở các buổi chợ phiên Bắc Hà, khi
các chàng trai cưỡi ngựa xuống chợ, họ đều thi cưỡi ngựa để xem ai đến trước,
người chiến thắng sẽ được thưởng rượu khi đến chợ. Tuy nhiên, ngoài việc so tài
của các chàng trai, thì còn yếu tố sâu xa khác nữa là sự thể hiện tài cưỡi
ngựa, sự nhanh nhẹn của các chàng trai trước ánh nhìn đầy ngưỡng mộ của các cô
gái trên đường xuống chợ.
Các nài ngựa so tài trên đường đua
|
Ban tổ chức trao Giải thưởng cho các nài ngựa |
Đến khoảng những năm 1960 - 1975, nhằm
xây dựng lực lượng dân quân cơ động Huyện đội Bắc Hà bắt đầu tổ chức các cuộc
thi cưỡi ngựa bắn súng, rèn luyện dân quân và hoạt động này duy trì đến cuối
những năm 80 của thế kỷ XX.
Năm 2008, lần đầu tiên Tuần văn hóa
du lịch huyện Bắc Hà được tổ chức và khôi phục lại lễ hội đua ngựa truyền thống
của huyện gắn với hoạt động phát triển du lịch của địa phương cùng với sự giúp
đỡ của các cơ quan chuyên môn đã tổ chức thành công nhiều mùa lễ hội, thu hút
các nài ngựa trên địa bàn và các tỉnh bạn tham gia, trở thành ngày hội văn hóa,
thể thao, du lịch đặc sắc của địa phương và khu vực.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà là lễ hội khá đặc biệt, bởi ở đó
luôn mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống, là kết quả của cả một quá trình
chăm sóc, huấn luyện ngựa của đồng bào, là một trong những hoạt động nằm trong
chuỗi sự kiện văn hóa du lịch của địa phương.
Khai mạc lễ hội là hoạt động biểu diễn các tiết mục văn
nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Bắc Hà do chính người dân, nghệ
nhân dân gian thực hiện. Lễ hội đua ngựa trở thành không gian thực hành của một
loạt các di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, như: các tiết mục
múa xòe người Tày; múa khèn, múa gậy sinh tiền người Mông,múa ngựa giấy của
người Nùng. Sau các tiết mục văn nghệ truyền thống chào mừng, lễ hội đua ngựa
sẽ chính thức được bắt đầu.
Trước khi lễ hội đua ngựa diễn ra là nghi lễ cầu khấn
thần linh bảo vệ cho nài ngựa, ngựa đua, nhân dân và du khách tham dự Lễ hội.
Nghi lễ cầu may là một nghi lễ quan trọng, thầy cúng sẽ chuẩn bị mâm lễ nhằm tạ
ơn thần linh, trời đất, sau đó một tay cầm một bát nước thiêng, một tay cầm
cành lá nhúng vào bát nước, lần lượt làm lễ vảy nước lên các ngựa đua. Họ tin
rằng, làm như vậy thì các con ngựa đua sẽ được thần linh bảo vệ, khi đua sẽ đạt
được thành tích cao.
Phần
hội đua ngựa hết sức đặc biệt, bởi những nài ngựa đăng ký tham gia lễ
hội này chủ yếu là người dân địa phương, là con em nhân dân của các dân tộc
trên địa bàn huyện và các huyện bạn… Họ là những người đua ngựa không chuyên,
ngựa đua chủ yếu là giống ngựa thuần chủng của đồng bào tự nuôi và tự huấn
luyện. Ngựa đua không sử dụng yên, các nài ngựa sẽ cưỡi trực tiếp trên lưng
ngựa. Khi đua, các nài ngựa chủ yếu bám vào bờm ngựa và dây cương. Trang phục
của các nài ngựa cũng hết sức đơn giản, vẫn chỉ là những bộ trang phục truyền
thống họ mặc hằng ngày của mỗi dân tộc, chân đi dép, giày và thậm chí là chân
đất, đầu đội mũ bảo hiểm… với tất cả những thứ mang tính mộc mạc dân dã này đã
làm nên thương hiệu độc đáo, hấp dẫn cho lễ hội đua ngựa Bắc Hà mỗi năm.
Lễ hội đua ngựa thường được tổ chức làm hai vòng gồm vòng
loại và vòng chung kết. Vòng loại được tổ chức trước một ngày với tất cả những nài
ngựa đăng ký tham gia đua. Sau vòng loại, những con ngựa chiến thắng sẽ tiếp
tục tham gia vào vòng chung kết hôm sau.
Trong không khí tưng bừng của ngày hội, những chú ngựa
không chuyên sẽ được thi đấutrong sự cổ vũ, reo hò khích lệ hết sức nhiệt tình
của khán giả. Tuy nhiên, sự náo nhiệt của cổ động viên, của khán giả đôi khi
cũng là trở ngại lớn đối với những chú ngựa đua, nhiều nài ngựa đã không điều
khiển được ngựa đua đi đúng đường, mà có thể chạy ngược lại hoặc bỏ chạy khỏi
đường đua… song, những điều này cũng chính là những yếu tố bất ngờ tạo nên sự
hấp dẫn của lễ hội đua ngựa Bắc Hà.
Các nghệ nhân tham gia Lễ hội đường phố 2019
Trong những năm trở lại đây, cùng với lễ hội đua ngựa Bắc Hà, các hoạt động Festival cao nguyên trắng Bắc Hà, tuần văn hóa du lịch Bắc Hà, Lễ hội đường phố… cũng được tổ chức nhằm tạo nên một không gian vui chơi hấp dẫn cho tất cả du khách khi về với khu du lịch Bắc Hà. Lễ hội đua ngựa trở thành không gian bảo vệ và phát huy rất nhiều loại hình di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc, bảo tồn tập quán nuôi ngựa, tri thức trong chăm sóc ngựa của đồng bào. Đồng thời, lễ hội còn góp phần vào phát triển du lịch, tăng doanh thu du lịch, tiêu thụ các mặt
hàng nông sản đặc hữu của địa phương. Ngày 27/5/2021 lễ hội đua ngựa Bắc Hà
được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được giữ gìn và phát
huy, xây dựng trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Bắc Hà.
Công Huân