31/01/2023
Góp sức xây dựng nông thôn mới vùng cao khởi sắc, ấm no
Lượt xem: 523
Nhắc đến anh Phàn Văn Chiến, sinh năm 1984, dân tộc Dao, ở thôn Cốc Đầm, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, bà con nhân dân ai nấy đều khâm phục tấm gương nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi tiêu biểu, vươn lên khá giả từ trồng quế và kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp. Đặc biệt anh Chiến đã đứng ra tập hợp thanh niên trong thôn Cốc Đầm học nghề xây dựng, mạnh dạn nhận thi công công trình vừa và nhỏ, vừa mở đại lý thu mua quế, đã giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng cao ngày một khởi sắc.
Anh Chiến và nhiều thanh niên trong thôn, xã đi khắp các bản, làng vùng cao thu mua quế cho người dân
Qua giới thiệu của UBND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, chúng tôi tới thăm mô hình trang trại kinh tế đồi rừng và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp của gia đình anh Phàn Văn Chiến, ở thôn Cốc Đầm, xã Nậm Lúc. Mặc dù công việc bận bịu cuối năm, thu mua quế vụ cuối cho dân ăn tết sung túc... song anh Chiến vẫn giành thời gian tiếp đón và đưa đi thăm quan mô hình kinh tế của anh. Trong câu chuyện cởi mở, anh Chiến kể về quá trình vượt khó vươn lên và chia sẻ bí quyết làm giàu từ trồng rừng, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và xây dựng tổng hợp.
Sinh ra trong gia đình nông dân người Dao trong thôn, không có điều kiện ăn học đầy đủ, sớm lập gia đình và ra ở riêng. Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân khác trong thôn, xã cuộc sống cuộc sống gia đình anh Chiến chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, lúa trên nương đồi, chăn nuôi nhỏ lẻ. Làm lụng vất vả song vẫn còn nghèo khó. Vốn cần cù, chăm chỉ, lại được tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông lâm nghiệp, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, lại thấy người Dao trong xã ở các thôn gần trung tâm như Nậm Lúc Hạ, Nậm Kha giàu lên từ trồng quế. Từ năm 2014- 2015, gia đình anh Chiến đã trồng mới hơn 6 ha quế đã và đang bắt đầu cho thu hoạch tỉa.
Bên cạnh trồng quế, nắm bắt nhu cầu của bà con nông dân, 5 năm qua, gia đình anh Chiến còn phát triển dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, đầu tư mở đại lý mua xe ô tô chuyên chở để chuyên thu mua nông sản tại chỗ cho dân, đặc biệt cung ứng phân bón cho dân trồng sắn, ngô, lúa, cây rau màu với hình thức mua trả chậm, sau khi thu hoạch nông sản, các hộ nghèo mới trả tiền phân bón gốc, không tính lãi. Anh Chiến cho biết: “Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, khó khăn chung, thị trường tiêu thụ quế khó khăn song gia đình vẫn tổ chức thu mua cho bà con khi họ có nhu cầu bán lấy tiền để trang trải cuộc sống, vừa thực hiện các biện pháp chống dịch, vừa thuê thường xuyên 5-10 thanh niên trong thôn, xã, theo xe đi khắp các thôn, bản, các xã khu vực hạ huyện Bắc Hà thu mua cho dân và trả lương cho các lao động đầy đủ. Biết thu mua về khó xuất, mình làm kho để tích trữ, chờ khi ổn định, khống chế dịch, các công ty trong nước và Quốc tế thu mua trở lại thì tiếp tục xuất bán. Làm như thế này, mình phải huy động nhiều vốn từ anh em, đến khi bán không còn lãi mấy, có những đợt xuất còn lỗ, hoặc hòa, cũng chịu vì bối cảnh chung do đại dịch song đã sống phải làm mới có ăn, mình nghỉ thì nhà cũng gặp khó, anh em thanh niên thất nghiệp nên cố duy trì để mọi người còn có nguồn sống, thu nhập ổn định, cùng nhau vượt qua khó khăn. Còn năm 2022 này tình hình đã ổn định, mình tổ chức thu mua đều và nhận 5- 10 lao động làm với mức lương, thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.”
Việc làm của anh Phàn Văn Chiến đã và đang giúp nhiều thanh niên người Dao, Mông trong thôn xã có công ăn việc làm ổn định
Đặc biệt nhận thấy bản thân còn trẻ, trong thôn có một số thanh niên ngoài thời vụ ra không có việc làm, cuộc sống khó khăn, trong khi xã Nậm lúc và khu hạ huyện, được nhà nước đầu tư một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân trong xã và khu vực đang giàu lên từ trồng quế, có nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình phụ, thế là Chiến miệt mài cùng thanh niên trong thôn đi học nghề thợ xây dựng do huyện, xã tổ chức, đi làm thợ cho các công ty xây dựng. khi đã thạo tay nghề lại có kinh nghiệm, có vốn, 5 năm gần đây Chiến mạnh dạn thành lập doanh nghiệp xây dựng nhỏ chuyên nhận thi công các công trình xây dựng trên địa bàn xã và khu vực hạ huyện.
Từ những ngày đầu gian khó chuyên phải nhận thầu lại qua nhiều đối tác, đến nay nhờ uy tín, Chiến đã nhận được nhiều công trình hơn và trở thành đối tác chính và doanh nghiệp nhỏ của anh cũng được nhiều hộ dân lựa chọn thi công nhà ở công trình phụ. Có công trình, Chiến nhận từ 10-15 lao động người Mông, Dao trong thôn, xã vào làm với mức lương từ 7- 10 triệu đồng/tháng, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thanh niên nông thôn trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch, giúp những thanh niên trẻ không phải rời xa gia đình, vợ con, đi làm thuê xa, có điều kiện ở nhà ổn định đời sống.
Là một trong số nhiều lao động nông thôn được anh Chiến giúp có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định trong thời gian qua, gia đình anh Phàn Văn Thành, 28 tuổi, dân tộc Dao, thôn Cốc Đầm, có 4 khẩu, trước đại dịch, vợ chồng anh Thành phải vừa làm nông, vừa phải đi làm thuê xa, khi thì đi Bắc Giang, khi thì Hà Nội làm công nhân... Khi đại dịch xảy ra, không đi làm thuê được, ở nhà làm nông không đủ trang trải cuộc sống, được anh Chiến giúp đỡ, nhận làm đã giúp gia đình vượt qua khó khăn, anh Thành chia sẻ: "Lúc xảy ra đại dịch, ở nhà, anh Chiến nhận mình vào làm chủ yếu là bốc quế, sắn, lúc dịch phức tạp thì nghỉ, ổn lại đi thu mua, tích kho chờ lúc ổn, anh Chiến xuất bán ra thị trường, mỗi tháng cũng giúp mình có thu nhập 4- 5 triệu, trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn. Năm 2022 này, dịch được khống chế, ổn định, đi làm đều, mỗi tháng anh Chiến trả công mình 6,5 triệu đồng, cuối năm này, nhất là tháng 12 và tháng 1/2023 dương lịch, thu mua quế vụ 8- vụ cuối trong năm, công việc thường xuyên, bận rộn, ngoài lương chính, anh trả thêm cho mình ngoài giờ, ngày được trả công từ 300- 500 ngàn đồng tùy theo công việc. Mình và các thanh niên ở đây tin yêu, kính trọng anh Chiến, không có anh Chiến không biết cuộc sống sẽ ra sao, nhờ anh ấy, mình được ở nhà cùng vợ con, cuộc sống ổn định, lại có thời gian trồng, chăm sóc đồi quế hơn 1 vạn cây của nhà mình".
Đưa chúng tôi đi thăm những nương đồi đã xanh ngát màu quế, những khu dân cư đã xuất hiện nhiều ngôi nhà xây khang trang, bản làng đang tấp nập vụ thu hoạch quế thứ 8- vụ cuối cùng trong năm để chuẩn bị ăn tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc Quý Mão 2023, khi được hỏi về anh Chiến, ông Đặng Văn Khánh, phó chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cho biết: "Chiến là tấm gương nông dân tiêu biểu được Chính quyền và bà con nhân dân tin yêu khi xuất phát điểm thấp, ở thôn xa cách trung tâm xã gần 7km, tận khu núi cao vực sâu heo hút, không có điều kiện ăn học, lại khó tiếp cận thông tin, dịch vụ song Chiến vốn cần cù, chăm chỉ, chịu khó làm ăn, học hỏi, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, phát triển mô hình kinh tế mới phù hợp, hiệu quả, đặc biệt trước, trong và sau đại dịch Covid- 19, mặc dù gặp không ít khó khăn song Chiến không tính toán thiệt hơn, vẫn nỗ lực vươn lên, tìm công ăn việc làm cho lao động, nhất là thanh niên nông thôn, có thu nhập ổn định khi không thể đi làm thuê, công nhân ở miền xuôi và các tỉnh khác. Nhờ Chiến nhiều thanh niên đã yên tâm bám đất, bám làng, lao động vươn lên".
Còn với anh Chiến, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất là vươn lên bằng đôi bàn tay lao động chân chính, lập nghiệp trên chính quê hương vùng cao, giúp đỡ được anh em, thanh niên người Mông, Dao anh em trong thôn xã có việc làm, thu nhập ổn định mà không phải tha hương lập nghiệp, nhọc nhằn mưu sinh, yên tâm lập nghiệp, vươn lên.
Với những cố gắng, nỗ lực đóng góp, gia đình anh Chiến được tôn vinh hộ nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi cấp huyện. Bản thân anh đã được Huyện, xã, các cấp, các ngành trao tặng nhiều giấy khen trong các phong trào thi đua yêu nước, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ghi nhận cố gắng, nỗ lực của anh Phàn Văn Chiến, thôn Cốc Đầm đã và đang miệt mài góp sức xây dựng nông thôn mới vùng cao ngày một khởi sắc./.
Phàn Văn Chiến và những người trẻ vẫn đang miệt mài góp sức xây dựng nông thôn mới vùng cao ngày một khởi sắc
Tráng Xuân Cường
|