“Cấp sắc” nghi lễ thiêng của người Dao Tuyển xã Cốc Ly được bảo tồn và phát huy để trở thành sản phẩm du lịch Bắc Hà
Lượt xem: 209

         Người Dao là một dân tộc có số dân đứng thứ 3 tỉnh Lào Cai, chỉ đứng sau người Kinh và người Hmông. Với 3 nhóm chính đó là: Dao Đỏ, Dao Tuyển và Dao Họ. Trong đó sinh sống tại vùng Cao nguyên trắng Bắc Hà chủ yếu là nhóm Dao Đỏ (xã Nậm Đét, Bản Cái) và Dao Tuyển (xã Nậm Khánh, Cốc Ly). Người Dao Tuyển, họ tự gọi mình là “Kìm Mùn” nghĩa là tộc người sống ở vùng rừng núi.

         Trải qua lịch sử phát triển, sự phân cách về địa lý, phong tục tập quán, vùng miền…mỗi nhóm người Dao, họ đã hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc riêng của mình. Tuy nhiên, trong phong tục tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ vòng đời người, người Dao vẫn còn gìn giữ được một nghi lễ vô cùng quan trọng, đó là nghi lễ thiêng cấp sắc.

Đối với người Dao Tuyển nếu một người đàn ông không được trải qua nghi lễ cấp sắc thì dù có cao tuổi đến mấy vẫn không được gọi là người đàn ông trưởng thành. Và với người Dao Tuyển nghi lễ cấp sắc có 3 cấp bậc khác nhau, đó là: “Tăng dền ỏn pu”, “Hồng làu” và “Hồng ẳn đai guây”. Với người Dao Tuyển tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, nghi lễ bậc trung “Hồng Lầu” được tổ chức phổ biến nhất. Đại lễ diễn ra với mười trường đoạn:

         1/ Lễ đón thầy:

          Chủ nhà “peo châu” Bưng đĩa rượu ra ngoài cổng trân trọng mời các thầy, và đón thầy “Mành chắn tau” (Minh chân đạo). Tốp thầy “Hòng làu tảy” sẽ đánh trống, chiêng, chũm choẹ, chuông, tây cầm đao, kiếm, sách tiến vào chay đàn để tiến hành thực hành nghi lễ. Khi đi từ ngoài vào đàn chính các thầy đi qua “tỉn đành to” nơi đốt trầm hương, thang trời để các thần về trước khi ngự đàn.

         2/ Khai quang đàn “Cỏi quảng”

         Thầy chính khai quang các phủ trên đàn, 2 nhóm thầy Tam nguyên, Tam thanh đánh trống, đọc sách, múa vòng quanh trước chay đàn với ý nghĩa chào đón tất cả các vị thần trên trời, không trung, mặt đất, âm ti, tổ tiên vv đã về đàn để hỗ trợ cấp sắc cho trẻ.

         Thầy bên sư giáo đánh trống, chiêng, nhảy múa đón thần, đuổi trừ tà ma xấu. Thầy bên đạo giáo làm phép, cầm rượu, kiếm pháp, đọc sách… “đốt công tào điệp” thông ngôn trong lễ cấp sắc đối với tất cả các vị thần.

         3/ Thầy cúng chính trình thư ý (Đọc lấy lời cúng mở đầu)

         Thầy chính trình thư ý, lý do thực hiện lễ, mời đón các vị thần, sư phụ, tổ tiên về ngự đàn chay với bản danh sách các vị thần được mời về… (Lời đọc của thầy cúng)

         4/ Gọi binh mã chuẩn bị trợ giúp đón trẻ ở ngũ đài “Ngọ đài”

         Thầy Tam thanh, Tam nguyên cùng đọc sách gõ trống nhờ sự hỗ trợ của các vị thần, sư phụ, tổ tiên trợ giúp; gọi quân binh mã giúp sức cho các thầy trong cả quá trình làm lễ. Các thầy đưa trẻ từ đàn thụ giới, múa trình trước chay đàn chính ban sức, ban phép, xoay vòng phép để đứa trẻ chuẩn bị được sinh ra.

         5/ Đưa trẻ ra ngũ đài “Ẻn xây lình ngụ đài”

         Thời điểm nửa đêm, thầy dẫn trẻ đi trước, đoàn thầy Tam thanh đánh trống, đọc sách, múa đao kiếm dẹp đường dẫn trẻ ra ngũ đài. Thầy Tam nguyên đi sau đọc sách, đọc thần chú, làm phép. Cùng với các thầy bên Tam thanh, Tam nguyên là đoàn đoàn tuỳ tùng gồm các đồ đệ của 2 bên sư giáo và đạo giáo. 02 ông đóng kẻ ăn mày là thần tốt trên trời về đóng giả ăn mày để bảo vệ sự an toàn đứa trẻ, vừa di vừa diễn trò lúc chạy trước, sau, trái, phải xen lẫn đoàn với ý nghĩa tìm cái xấu để diệt trừ.

         Khi thầy dẫn trẻ trèo lên đài dẹp ác xong sẽ dẫn đứa trẻ lên với ý nghĩa đứa trẻ đang trong bào thai chuẩn bị được sinh ra. Các thầy, đồ đệ, các ông Tam nguyên, Tam thanh, cùng những người sắm vai khác cầm vũ khí đao, kiếm, súng, võng… để săn thú ác cho sạch sẽ trần gian trước khi đứa trẻ được rơi xuống từ ngũ đài. Hai ông thầy sẽ cầm súng, đao, kiếm pháp để săn thú ác định làm hại trẻ, bắt được thú sẽ được 2 ông thầy Tam nguyên, Tam thanh thưởng rượu. Đây là một mảng trò hết sức sôi động, hấp dẫn thu hút dân làng chứng kiến.

         Dấu sẽ được đóng dưới gan bàn chân như là sự công nhận của trời đất, thần thánh về thông điệp âm dương cho đứa trẻ. Nghi lễ đỡ đứa trẻ được sinh ra từ trời, các mảng trò diễn bảo vệ đứa trẻ, sau đó các thầy cho trẻ ăn xôi, bánh để ban sự sống trần gian cho trẻ được cấp sắc. Sau đó đoàn thầy đưa trẻ từ ngũ đài về chay đàn chính trong nhà để thực hành các bước truyền phép cho trẻ.

         6/ Đưa trẻ vào trong chay đàn:

         Trước chay đàn đứa trẻ được các thầy ban phép dậy đánh trống, đọc sách ban sức mạnh. Chủ nhà là cha của đứa trẻ đại diện gia đình sẽ được các thầy múa gà “sỉu pảnh” trừ tà cho các thành viên gia đình và bảo vệ đứa trẻ được cấp và nhận phép, nhận quân âm binh được hoàn tất.

         Sự chuyển giao binh mã và phép cho trẻ được các thầy Tam thanh, Tam nguyên và các đồ đậy thông qua điệu múa “Pằn Pụ”; Mỗi bước nhẩy, mỗi động tác, mỗi tiếng nhạc là một dải truyền cho trẻ thêm sức mạnh. Tất cả các thành viên xung quanh chay đàn hô vang trong tiếng nhạc của các loại nhạc cụ gõ, mừng vui reo hò.

         7/ Điệu múa rồng

         Múa rồng là biểu tượng của sức mạnh trời ban phép, ban sức mạnh cho đứa trẻ được thông qua các thầy để chuyển tải thông điệp này.

         Ngoài múa rồng các thầy cúng còn múa các điệu múa bát quái, múa rùa mang biểu tượng của lịch sử quá khứ xa xưa khi nạn hồng thuỷ ập tới, con rùa đã cứu dỗi người Dao. Vì vậy những hình ngũ giác trên mui rùa chính là biểu tượng của sự sống, biểu tượng của sự may mắn cho con người…

         8/ Múa khoá giữ hồn, giữ phép cho trẻ và các thầy trước chay đàn

        Các thầy Tam thanh, Tam nguyên cùng tất cả các đồ đệ nhảy múa điệu “Giằng sìu” trao pháp quyền cho đứa trẻ. Các thầy vừa đánh trống, chiêng, nạo bạt, chuông, kiếm pháp vừa múa cầu mùa của tổ tiên và cầu bình an cho tất cả con cháu.

         Đây cũng là điệu múa truyền phép cho trẻ cấp sắc, tất cả các thầy trao binh pháp, trao quyền năng để sau khi đứa trẻ được cấp sắc có thêm sức mạnh trong thế giới tâm linh khi tham gia hành lễ sau này.

         9/ Trò diễn bảo vệ trẻ của người đeo mặt nạ “hìu”

         Thầy đeo mặt nạ “hìu” xuất hiện với hình hài xấu xí nhảy múa xung quanh đứa trẻ, đây là vị thần tốt được Ngọc Hoàng cử xuống đóng giả người ăn mày để giúp sức cho các thầy cúng bảo vệ cho đứa trẻ sinh ra được an toàn.

         Khi đến cửa nhà, người đeo mặt nạ giả què đóng vai thổ địa đòi tiền thì cho vào nhà, chủ nhà và các thành viên tham dự sẽ cho tiền mặt hoặc những đồng tiền xu cổ “tòng xình” để được thổ địa cho vào và trợ giúp các thầy.

         10/ Tiễn thánh “tỏng thanh” và “tau lầu”

         Hai nghi thức trình diễn diễn song song trước chay đàn; 02 thầy Tam nguyên múa tiễn thánh, tạ ơn tất cả các vị thần. Thầy bên ngoài đánh trống, đọc sách kể tên tất cả các vị thánh đã về chay đàn dự lễ và bây giờ tiễn các vị thánh về trời.

         Một thầy bên Tam thanh múa “tau làu” nghĩa là phật bà hay người Dao còn gọi là Bà Mụ đã có công mang thai đứa trẻ giờ đây đã được sinh ra và bàn giao cho trần thế, bà hết nhiệm kỳ mang thai, sinh con, để trở về trời. Kết thúc nghi lễ “Tỏng thanh” và “Tau làu” thầy chính làm phép phá đàn “Chảnh tàn” kết thúc lễ cấp sắc.

         Có lẽ từ trước đến nay, nghi lễ cấp sắc của đồng bào người Dao, chỉ được tổ chức tại các gia đình và chính vì vậy mà chúng ta ít được biết về nghi lễ độc đáo này. Thực hiện Kế hoạch số 335/KH-UBND, ngày 17/11/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinhtế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025. Bảo tồn các di sản văn hóa, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa xã hội. Tăng cường đầu tư của nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong công tác bảo tồn, quản lý và khai thác để phát huy các giá trị của di sản văn hóa, thể thao truyền thống. Phòng Văn hóa thông tin huyện Bắc Hà đã phối hợp với UBND xã Cốc Ly tổ chức bảo tồn và phát huy nghi lễ cấp sắc trở thành sản phẩm du lịch.

         Đúng truyền thống thì nghi lễ cấp sắc phải được tổ chức liên tục trong vòng 3 ngày 2 đêm. Nhưng để thành sản phẩm du lịch các nghệ nhân tại xã Cốc Ly đã bàn bạc để rút ngắn gọn trong vòng 25 phút mà vẫn tái hiện đầy đủ các nội dung quan trọng của nghi lễ cấp sắc.

Một số hình ảnh biểu diễn tại chợ đêm Bắc Hà

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
 
Bài và ảnh: Bùi Văn Vinh Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Bắc Hà
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1