Người nông dân vùng cao Bản Liền thoát nghèo từ phát triển mô hình kinh tế VACR
Lượt xem: 794
           Những năm gần đây, từ những phong trào thi đua phát triển kinh tế ở các địa phương đã xuất hiện một số mô hình kinh tế đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương bằng đôi bàn tay và trí óc của mình. Gia đình ông Vàng A Lương, thôn Pắc Kẹ, xã Bản Liền là một trong những điển hình về làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo với mô hình kinh tế Vườn - Chuồng - Rừng kết hợp.

Ngôi nhà mới khang trang của gia đình ông Vàng A Lương, thôn Pắc Kẹ, xã Bản Liền

          Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nhiều năm qua xã Bản Liền đã vận động và hướng dẫn nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày xây dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp để nâng cao thu nhập. Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ dân nghèo trong xã, với ý tưởng muốn thoát khỏi khó khăn thì không có cách nào khác là phải đổi mới cung cách làm ăn, không thể trồng riêng cây lúa mà phải thâm canh kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, gia đình ông Vàng A Lương, thôn Pắc Kẹ đã tiên phong trong phong trào phát triển đa dạng các loại hình sản xuất trong nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Ban đầu, gia đình ông Lương mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện, để xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp vườn, chuồng, rừng, hiện gia đình ông luôn duy trì chăn nuôi 4 con trâu sinh sản, trên 10 con lợn bản và hàng trăm con vịt. Để đàn gia súc, gia cầm của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, ông Lương đã không ngừng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi thành công và đọc thêm trên sách, báo; tích cực tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc do địa phương tổ chức. Để nuôi trâu đảm bảo sức khỏe sinh sản đều, nuôi lợn, vịt nhanh lớn, phải bảo đảm đủ nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo. Bên cạnh đó, phải chủ động tiêm phòng các loại dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giữ chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm vào mùa đông… Đây là cách làm có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở địa phương, mà mô hình kinh tế gia đình ông Lương đã thực hiện thành công. Mỗi năm gia đình ông Lương có thể bán 1 cặp trâu, có những con trâu đực to, có thể bán với giá trên 40 triệu đồng, cùng với đó là 2 - 3 lứa lợn đen bản địa, mỗi lứa từ 7 - 10 con và hàng trăm con vịt. Tổng thu nhập từ xuất bán gia súc, gia cầm mỗi năm gia đình ông Lương thu về khoảng từ 100 - 150 triệu đồng. Ông Vàng A Lương, thôn Pắc Kẹ, xã Bản Liền chia sẻ: “Trước đây, điều đầu tiên nói tới là hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa có lên đời sống rất khó khăn. Thứ hai nữa là, kinh tế gia đình thì chưa có, và mình thì không được đi học lên làm cái gì cũng chưa tính toán được. Giờ thì có đầy đủ điều kiện về điện, đường, trường, trạm và mình được đi học lại biết chữ, biết làm kinh tế. Gia đình đã trồng chè, chăn nuôi. Quan trong nhất là giờ đây Nhà nước hỗ trợ làm được con đường bê tông đi lại, làm cái gì cũng dễ... Bản Liền có xưởng chè, người dân thu hoạch về bán rất thuận tiện. Một năm gia đình tôi thu hoạch 4 vụ cũng được khoảng 40 - 50 triệu. Ngoài ra còn nuôi thêm vịt để phục vụ bữa ăn gia đình và bán kiếm thêm thu nhập. Đến giờ kinh tế gia đình cũng ổn định, làm được ngôi nhà khang trang...”

Ông Lương chăm sóc đàn trâu của gia đình

          Ngoài chăn nuôi, gia đình ông Lương đã chuyển đổi gần 5ha đất đồi sang trồng chè hưu cơ. Hiện nay, diện tích chè của gia đình ông Lương đã cho thu hoạch vụ 2, đây chính là nguồn thu chính của gia đình ông. Bởi từ ngày có hợp tác xã chè Bản Liền, gia đình ông đã tham gia làm hội viên HTX nên việc tiêu thụ ổn định. Ngoài bán chè tươi cho HTX với giá ổn định hiện 16 - 17 ngàn đồng/kg chè tươi, gia đình ông còn chế biến chè xao khô bán theo các mức giá từ 120 đến 300 ngàn đồng/kg, tùy theo loại chè búp non 2 mầm, 3 mầm, chè búp thường… Từ đó, thu nhập trung bình của gia đình ông Lương được nâng lên đáng kể, trừ chi phí mỗi năm thu về khoảng 40 - 50 triệu đồng từ bán sản phẩm chè Shan tuyết.

          Nhận thấy việc phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Vàng A Lương là một trong những mô hình đã phát huy được hiệu quả. Đây thực sự là hướng phát triển phù hợp cho vùng nông thôn, từ đó, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để mô hình được nhân rộng. Đồng thời, khuyến khích kịp thời tạo mọi điều kiện cho người người nông dân chọn hướng đi đúng, và quan trọng hơn là phải kiên trì, chịu khó, biết phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương mình. Ông Vàng A Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền cho biết: “Có sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương thì gia đình ông Lương đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để tăng thêm thu nhập. Thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền những hộ gia đình khác, tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình tại những hộ có kinh tế khá giả như gia đình ông Lương để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển kình tế, dần xóa đói giảm nghèo...”

Niềm vui của gia đình ông Lương vào vụ chè mới

          Cũng chính từ các phong trào thi đua phát triển kinh tế ở các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ đó, đóng góp nhiều hơn nữa vào mục tiêu phát triển chung của Bản Liền hướng tới xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021 này./.

Lê Hiếu - Văn Vinh     

 

Tin tức
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1