Bắc Hà thời cơ và vận hội phát triển mới
Lượt xem: 1549

Bắc Hà là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 65 km, thủ đô Hà Nội 320 km đường bộ. Toàn huyện có 21 đơn vị hành hành chính gồm 20 xã, 01 thị trấn với 236 thôn bản; Dân số 53.066 người (1/4/2009) gồm 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc H’mông chiếm 47%, tỉ lệ dân số nông nghiệp nông thôn chiếm 91%. Tổng diện tích tự nhiên 68.176,4 ha (1/2009), trong đó đất nông nghiệp 12.513,57 ha chiếm 18,35%, đất lâm nghiệp 20.654,86 ha chiếm 30,29%, còn lại là đất phi nông nghiệp khác 3000 ha, đất chưa sử dụng 32.403,51 ha.

Bắc Hà là huyện có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, điều kiện thời tiết khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm là 180c, độ ẩm trung bình 80% phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng; là cao nguyên có nhiều danh thắng đẹp, nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, nhiều phong tục lễ hội truyền thống giữ được bản sắc lợi thế cho phát triển du lịch. Vùng cao Bắc Hà có khí hậu ôn đới thuận lợi phát triển cây ăn quả, rau, hoa cao cấp, cây dược liệu quý hiếm, thủy sản nước lạnh, phát triển chăn nuôi đại gia súc; Diện tích đất chưa sử dụng lớn có khả năng phát triển lâm nghiệp. Hệ thống sông suối đa dạng, độ dốc lớn có tiềm năng phát triển thuỷ điện. Đồng bào các dân tộc có nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo tạo sản phẩm hàng hoá và thu hút khách du lịch lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bắc Hà có vị trí trung tâm, cầu nối giữa các huyện Sín Mần tỉnh Hà Giang, huyện Si Ma Cai với thành phố Lào Cai và các tỉnh miền xuôi…có lợi thế về vị trí địa lý, phát triển đô thị.

Bên cạnh lợi thế phát triển kinh tế xã hội, Bắc Hà cũng có không ít khó khăn: Địa hình phức tạp, phân cách mạnh, có độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, còn 14 xã chưa có đường nhựa đến trung tâm xã, 20 thôn bản chưa có đường liên thôn, 05 xã chưa có điện lưới quốc gia. Là huyện có tới 92% dân số nông nghiệp nông thôn nhưng chỉ có 18% diện tích đất tự nhiên là đất nông nghiệp, chủ yếu là đất đồi và đất ruộng bậc thang một vụ, bình quân đất nông nghiệp trên một người dân rất thấp. Tập quán, thói quen canh tác còn lạc hậu. Tỷ lệ lao động nông nhiệp nông thôn cao, phần lớn chưa qua đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực thấp, trình độ dân trí không đồng đều.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự điều hành của Uỷ ban nhân dân, sự vào cuộc của các cấp các ngành, tinh thần lao động cần cù sáng tạo của nhân dân các dân tộc, và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bắc Hà đã phát huy tối đa nội lực, tận dụng lợi thế, khắc phục khó khăn, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế xã hội đã đạt được nhiều thành quả quan trọng: Giá trị sản xuất luôn giữ ở mức tăng trưởng cao và ổn định, đạt 14% /năm; Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến nay giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm 41% giảm 28% so với năm 2005, (trong đó giá trị ngành trồng trọt chiếm 57% trong nội ngành nông nghiệp, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 41,2%, tăng 10,9% so với năm 2005). Giá trị hàng hóa thương mại, dịch vụ chiếm 22%, sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm 37%. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 16.71 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6,9 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng được cải thiện, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, 91,5% số thôn bản có đường ô tô, xe máy, 100% số xã có trụ sở kiên cố; An sinh xã hội được đảm bảo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 47% năm 2008. Hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2007, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được quan tâm, tỷ lệ người dân được xem truyền hình đạt trên 80%...

Thành quả đạt được là hết sức to lớn, song kinh tế, xã hội Bắc Hà cũng còn những hạn chế: Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; Chưa hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; Chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ; Quy mô khai thác dịch vụ, du lịch còn nhỏ lẻ; Tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao; Chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn cao, phần lớn chưa qua đào tạo; Trình độ cán bộ quản lý, cán bộ công chức còn hạn chế, chưa thu hút được đội ngũ trí thức trẻ đến công tác tại huyện.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2009-2010 và các năm tiếp theo, Bắc Hà hội đủ các yếu tố thuận lợi, thời cơ bước vào vận hội mới: Giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách với các huyện phát triển trong cả nước.

Đảng và nhà nước tiếp tục đầu tư cho vùng cao xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội. Hệ thống chính trị và cả đất nước hướng về các huyện nghèo, giúp các huyện nghèo thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong huyện, chắc chắn tiềm năng lợi thế của Bắc Hà sẽ được khai thác. Bắc Hà sẽ trở thành vùng du lịch thứ hai sau Sa Pa, phát triển với những định hướng chủ yếu sau:

Một là: Chuyển nhanh nông, lâm nghiệp sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa hiện, đại hóa. Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn liền với hình thành các vùng, tiểu vùng chuyên canh những sản phẩm mũi nhọn, có lợi thế so sánh cao của huyện như cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc với sự tham gia đầu tư bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp, sử dụng có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách trồng rừng thay thế nương rẫy của Nhà nước.

Hai là: Đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô dịch vụ thương mại, du lịch, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực dịch vụ. Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn: đường, điện, nước, thủy lợi gắn với sắp xếp dân cư vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất sinh hoạt của nhân dân vừa tiết kiệm đầu tư hạ tầng.

Ba là: Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án thủy điện, ưu tiên phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng để phát huy nội lực, tạo sản phẩm hàng hóa và nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Bốn là: Phát triển thương mại dịch vụ, đầu tư hoàn thiện chợ trung tâm thị trấn, chợ trung tâm cụm xã, chợ xã, tạo điều kiện kích thích sản xuất hàng hóa phát triển. Khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư thương mại, dịch vụ, du lịch nhằm tăng quy mô và đa dạng hóa các hoạt động thương mại, dịch vụ.

Năm là: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, thu hút trí thức trẻ, lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, yêu cầu quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước trong  thời kỳ mở rộng hội nhập với các địa phương trong  nước và quốc tế.

Sáu là: Đảm bảo an sinh xã hội, duy trì phổ cập giáo dục THCS, nâng cao chất lượng dậy và học, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Bẩy là: Đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế xã hội.

Để thực hiện được định hướng phát triển chủ yếu trên, ngoài sự quan tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các đân tộc địa phương, cần tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của tỉnh, của Chính phủ. Nhà nước cần có thêm những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào địa bàn những huyện nghèo nhằm tạo công ăn việc làm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân; cần có thêm những chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực địa phương bằng giải pháp mở rộng quy mô trường nội trú, tăng chỉ tiêu đào tạo cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, kể cả chỉ tiêu vào các trường trung học chuyên nghiệp, dậy nghề của tỉnh./.  

Vũ Xuân Cường

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1