Đảng bộ Bắc Hà lãnh đạo phát triển kinh tế gắn với công tác xây dựng Đảng.
Lượt xem: 462

Bùi Quốc Cân

Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nêu lên quan điểm lớn, cơ bản: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Thực chất đây là sự tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng kể từ khi Đảng ta được thành lập, chứ không chỉ là quan điểm của thời kỳ đổi mới.

Nhìn lại chặng đường 60 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ Bắc Hà, có thể khẳng định: Đảng bộ Bắc Hà đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả quan điểm lớn này của Đảng vào điều kiện lịch sử cụ thể của địa phương, tạo ra sự đổi thay căn bản, vững chắc của Bắc Hà trong chiều dài 60 năm qua.

Huyện Bắc Hà nằm trên cao nguyên đá vôi cổ, thuộc vùng Đông, Bắc của tỉnh Lào Cai. Năm 1926 trung tâm hành chính PaKha ( nay là huyện Bắc Hà ) có khoảng 5.200 người sinh sống chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Phù Lá. Đến nay Bắc Hà đã có trên 53.000 người thuộc 14 dân tộc anh em sinh sống ở 236 thôn bản, 21 xã, thị trấn.

Thời Pháp thuộc, các dân tộc ở Bắc Hà sống dựa chủ yếu vào làm nương rẫy, cấy lúa nước với qui mô gia đình, đại gia đình thuộc dòng họ của những dân tộc khác nhau, phương thức sản xuất lạc hậu, mang đậm kinh tế tự nhiên, tự túc, tự cấp; nhiều gia đình cư dân không có đất đai phải đi làm thuê, ở mướn cho Thổ ty, Chức dịch, đời sống bần hàn cực khổ.

Ngày 27/10/1946, những cán bộ hoạt động cách mạng trong vùng Bắc Hà dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai đã thành lập chính quyền quân quản, đánh dấu sự mở đầu một thời kỳ cách mạng mới ở Bắc Hà, tiếp đó ngày 12/3/1950 Tỉnh ủy Lào Cai quyết định thành lập Ban cán sự Đảng huyện Bắc Hà. Sau 6 tháng dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Ban cán sự Đảng Bắc Hà, kết hợp với thắng lợi của chiến dịch biên giới 1950, ngày 20/9/1950 Bắc Hà được giải phóng. Từ đó tới nay sự phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng, nay là Đảng bộ Bắc Hà.

Ngay sau ngày giải phóng chính quyền nhân dân đã tạm cấp ruộng đất thu được của các Thổ ty cho những gia đình có công với cách mạng, những gia đình nghèo khổ không có ruộng đất. Những năm 1951, 1952 thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác nông thôn để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm tô cho nông dân… Bằng quyết định đúng đắn đó của Ban cán sự Đảng nhân dân đã rất phấn khởi, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, hăng hái lao động sản xuất, bài trừ tệ nạn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng được đồng thời đẩy mạnh, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy: Tích cực củng cố xây dựng tổ chức Đảng, củng cố chính quyền và đoàn thể các cấp, đào tạo cán bộ, đảng viên người địa phương. Lúc đó Bắc Hà chưa có chi bộ đảng ở nông thôn, Ban cán sự đảng huyện cử cán bộ trực tiếp xuống các cơ sở tuyên truyền, vận động xây dựng phong trào cách mạng, phát hiện nhân tố mới. Đến tháng 6/1951 Ban cán sự Đảng huyện đã kết nạp được 3 đảng viên mới, nâng số đảng viên của huyện lên 13 đồng chí. Tháng 4/1953, Ban cán sự Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc bầu cử HĐND cấp huyện, xã. Kết quả Ủy ban hành chính huyện và 38 xã được thành lập thay thế cho Ủy ban kháng chiến hành chính lâm thời hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cán bộ chủ chốt của Ủy ban hành chính 2 cấp đều do đảng viên đảm nhiệm. Chủ trương thành lập các tổ đổi công, hợp tác xã, thâm canh tăng vụ, khai hoang phục hóa được triển khai thực hiện mạnh mẽ; trồng hoa màu, chăn nuôi, ngành nghề thủ công được khuyến khích phát triển. Năm 1953 nông dân Bắc Hà đã hăng hái thực hiện chủ trương do Đảng phát động triệt để giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất; trên phần đất được chia nông dân hăng hái cấy lúa, trồng ngô, khoai, sắn, chăn nuôi gia súc gia cầm.

Thời kỳ chống Pháp tiễu phỉ Ban cán sự Đảng huyện tiếp tục lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, củng cố chính quyền cách mạng, gọi phỉ ra hàng và chiến đấu tiêu diệt phỉ, đến cuối 1952 Bắc Hà đã hoàn thành 3 đợt tiễu phỉ thắng lợi, quân và dân Bắc Hà bắt tay thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, dân công, vận động tòng quân. Những năm 1953 – 1954 phỉ quay trở lại hoạt động chống phá ta, các lực lượng của Bắc Hà đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đến 17/11/1954 chiến dịch tiễu phỉ lần thứ 4 đã giành thắng lợi hoàn toàn. Công tác kiện toàn tổ chức Đảng tiếp tục đạt được kết quả tích cực, các lớp chỉnh huấn Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, chỉnh quân ở địa phương thu nhiều thắng lợi.

Từ 1954 – 1975 cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam hoàn thành thống nhất nước nhà. Nhân dân các dân tộc Bắc Hà đã tích cực tham gia phong trào hợp tác hóa, thâm canh tăng vụ. Xuất hiện một số hợp tác xã điển hình về thâm canh lúa 2 vụ như Bảo Nhai; một vụ lúa, một vụ đậu tương, một vụ rau như thị trấn, Na Hối, Bản Phố... Cây thuốc phiện được đẩy lùi về dĩ vãng. Cây ngô trở thành cây lương thực chính đối với nhiều vùng trong huyện; cây rau bắp cải, cây dược liệu, cây ăn quả, cây chè, cây quế, đỗ tương được mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng trở thành những cây trồng quan trọng trong phát triển kinh tế của Bắc Hà.

Đảng bộ đã phát triển và lớn mạnh không ngừng từ Ban cán sự Đảng đã thành lập Đảng bộ huyện. Năm 1967 do yêu cầu của sự phát triển, huyện Bắc Hà được chia tách để thành lập 2 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai, các xã của Bắc Hà đều có đảng viên, có xã đã thành lập được chi bộ cơ sở.

Giai đoạn từ 1975 – 1985 cả nước bước vào thời kỳ khôi phục hậu quả chiến tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ Bắc Hà tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng hợp tác xã bậc thấp ở các xã vùng cao, hợp tác xã bậc cao ở các xã vùng thấp, toàn huyện như một công trường thủ công rầm rập tiến quân vào mặt trận khai ruộng bậc thang, ổn định đời sống nhân dân, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới 1979. Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 1979 Si Ma Cai lại sáp nhập với Bắc Hà, thành lập huyện Bắc Hà có địa giới hành chính như trước năm 1967. Đảng bộ huyện Bắc Hà đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác xây dựng Đảng tiếp tục được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Từ 1986 đến nay cả nước chung sức thực hiện công cuộc đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra. Bắc Hà xuất hiện nhiều cơ hội để tăng tốc vượt qua khó khăn tiến lên phát triển kinh tế toàn diện. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân chuyển dịch từ kinh tế tự cấp tự túc sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Xác định rõ cơ cấu kinh tế đến năm 2020 để tập trung lãnh đạo đó là: Nông, lâm nghiệp- Du lịch, dịch vụ- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, phát triển nông- lâm nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu; phát triển du lịch, dịch vụ là khâu đột phá và là hướng phát triển lâu dài; Lấy tiểu thủ công nghiệp phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và du lịch; Lấy nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển du lịch và tạo ra cảnh quan du lịch. Vì vậy, đến năm 2000 tổng sản lượng lương thực qui thóc đã đạt 23.018 tấn; bình quân lương thực/người/ năm đạt 332kg. Tập đoàn cây ăn quả gồm mận, lê, đào, vải, nhãn, dứa… đã đạt 2.384 ha. Đậu tương đạt 700 tấn, mía 271 ha, chè 154 ha, chăn nuôi phát triển, kinh tế lâm nghiệp được coi trọng. Các ngành nghề chế biến lâm sản, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, điện, nước, sản xuất nông cụ… phát triển mạnh. Kinh tế dịch vụ mở rộng, đáng chú ý là mạng lưới thương mại, cả huyện đã có 9 chợ trong đó chợ ở trung tâm huyện đã trở thành chợ văn hoá vùng cao thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, theo đó cơ hội phát triển kinh tế du lịch ngày một rõ.

 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI thành 5 chương trình, 15 đề án, trong đó những chương trình đề án về phát triển kinh tế, xây dựng Đảng được xây dựng rất cụ thể, chi tiết nên nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đến năm 2009, tổng sản lượng lương thực có hạt đã đạt 21.507 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 398 kg/người/ năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 16,71 triệu đồng. Diện tích lúa cấy bằng giống mới có năng xuất cao chiếm 77%, ngô lai 1.805 ha, chiếm 39% diện tích; rau đậu các loại 309 ha. Sản lượng quả tươi các loại đạt 3.592 tấn, chè búp tươi 782 tấn. Toàn huyện có 1.235 ha quế. Tổng đàn trâu 15.530 con, đàn bò 1.793 con, đàn ngựa 4.189 con, đàn lợn 34.503 con; Gia cầm, thuỷ cầm 201.365 con. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục được duy trì. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giá trị sản xuất đã đạt 51.572 triệu đồng. Ngoài các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống huyện đã phối hợp xây dựng 7 dự án thủy điện với tổng công suất 179,7 Mê ga oát; tinh chế rượu Bản Phố, trạm khắc bạc; mở tua, tuyến, điểm du lịch, tổ chức tuần văn hoá du lịch Bắc Hà… Thu ngân sách năm 2000 đạt 1.309 triệu, năm 2009 đã đạt 27.554 triệu. Nhìn tổng thể kinh tế của Bắc Hà đã và đang chuyển động mạnh mẽ, phát triển đa dạng, phong phú; tư duy kinh tế của người dân, diện mạo của Bắc Hà đã đổi thay căn bản so với những năm trước kia.

Cùng với phát triển kinh tế công tác xây dựng Đảng không ngừng được tăng cường. Năm 2000 Chính phủ ban hành Nghị định tách huyện Bắc Hà để tái lập lại huyện Si Ma Cai. Bắc Hà hiện nay còn 20 xã và 1 thị trấn. Các xã đều có Đảng bộ cơ sở; 233/236 thôn bản có đảng viên, chỉ còn 3 thôn mới thành lập chưa có đảng viên. Toàn huyện có 55 chi đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, năm 2009 có 42/55 tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có cơ sở đảng yếu kém. Các cơ sở tích cực kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, riêng năm 2008 đã kết nạp 177 đảng viên mới. Năm 1951 toàn huyện có 13 đảng viên thì đến nay (31/12/2009) toàn Đảng bộ huyện đã có 2.231 đảng viên. Đảng bộ huyện nhiều năm được công nhận là đơn vị khá và trong sạch vững mạnh. Sự lớn mạnh của Đảng bộ huyện là rất rõ ràng và ấn tượng.

Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Bắc Hà là dịp để cán bộ, đảng viên, quân và nhân dân các dân tộc trong huyện nhìn lại chặng đường đã đi qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện. Những thành tích trên các mặt công tác trong suốt chặng đường 60 năm cần được khẳng định mạnh mẽ, trong đó thực tế đã chứng minh nơi nào tổ chức đảng vững mạnh thì kinh tế chắc chắn phát triển và nơi nào kinh tế phát triển thì tổ chức đảng cơ bản đạt vững mạnh. Vì vậy, quan điểm phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt phải tiếp tục được quán triệt sâu rộng trong toàn đảng, toàn dân, toàn quân những năm tiếp theo.

 Bên cạnh những thành công cũng cần làm rõ những gì chưa thành công, nguyên nhân thế nào? Rút ra bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gắn với công tác xây dựng Đảng một cách nghiêm túc. Chặng đường phía trước chúng ta có cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn. Để tiếp tục thành công, tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quan điểm của đảng một cách toàn diện, khoa học. Chỉ có như vậy thì từng chi, đảng bộ cơ sở và Đảng bộ huyện mới tiếp tục giành thắng lợi và tiến lên vững chắc./.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1