Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác
Lượt xem: 1271

Bắc Hà là huyện vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên 681,76 ha, dân số toàn huyện 53.157 người, gồm 14 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 82%, tỷ lệ dân số nông nghiệp, nông thôn là 92% ; huyện có 21 đơn vị hành chính với 236 thôn bản.

Những năm trước đây, sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là tự cung, tự cấp. Tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác thấp. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp phát triển không cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, là một trong những huyện có hộ đói nghèo cao, năm 2006 tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 60,92%.

Trăn trở trước thực trạng đó, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Hà khóa XXI, nhiệm kỳ 2005-2010 đã xác định mục tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010 theo hướng Nông lâm nghiệp - Du lịch dịch vụ - Tiểu thủ công nghiệp, trong đó nông nghiệp, nông thôn là mặt trận hàng đầu. Trên cơ sở thế mạnh của địa phương về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, năm 2006 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXI đã Nghị quyết xây dựng 5 chương trình công tác trọng tâm toàn khoá với 15 đề án, trong đó có 3/6 đề án trực tiếp trong lĩnh vực phát triển nông lâm nghiệp của huyện đó là: Đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá giai đoạn 2006 - 2010; Đề án phát triển chăn nuôi; Đề án phát triển lâm nghiệp. Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt các Đề án đã đặt ra đó là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.

Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và mục tiêu, nhiệm vụ các đề án đã đề ra, trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng cây con giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của nhân dân dân, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp, phát triển cân đối giữa trồng trọt, chăn nuôi và nâng cao hiệu quả, thu nhập từ công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã triển khai nhiều biện pháp đặc biệt đẩy mạnh công tác khuyến nông, triển khai làm các mô hình trình diễn ở một số xã về trồng ngô hàng hoá, lúa giống mới, lúa đặc sản, mô hình luân canh tăng vụ. Mỗi năm tổ chức 50-80 lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho hàng nghìn nông dân tham gia/năm, đồng thời có chính sách khuyến khích nông dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng, tập trung đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư xây dựng 53 công trình thủy lợi với kinh phí đầu tư 76,9 tỷ đồng để chủ động cho tưới tiêu thâm canh tăng vụ khai hoang mở rộng diện tích gieo trồng. Lồng ghép nhiều nguồn vốn thực hiện tốt các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như Chương trình 134, Chương trình 135 giai đoạn 2, vốn chương trình giống Quốc gia, Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh Lào Cai...Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở nhiều xã đã mạnh dạn đứng ra tín chấp với các doanh nghiệp, Trạm vật tư nông nghiệp huyện để vay hàng trăm tấn vật tư phân bón với hình thức trả chậm cho nhân dân đầu tư sản xuất, góp phần thay đổi cơ bản tập quán canh tác của đồng bào vùng cao, đặc biệt là sản xuất ngô hàng hóa. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự vào cuộc hết sức quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng trồng  ngô hàng hóa trên 1300ha tại các xã Bảo Nhai, Cốc Lầu, Cốc Ly, Nậm Mòn, Na Hối; Vùng trồng quế trên 1200 ha tại các xã khu vực hạ huyện; Vùng trồng cây ăn quả ôn đới 600 ha tại các xã khu vực trung tâm huyện; Vùng sản xuất chè tuyết Shan nguyên liệu 405 ha tại các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ, Nậm Khánh...

Ngoài ra một số cây trồng giống mới, cây đặc sản của địa phương đã được phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cây lúa đặc sản diện tích trồng 200ha chủ yếu lúa Khẩu Nậm sít, Séng cù; Cây mận Tam hoa địa phương đang được cải tạo, phục tráng với mục tiêu duy trì diện tích ổn định khoảng 600 ha để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Một số cây ăn quả giống mới đang được phát triển như lê Tai Nung, đào Pháp, hồng. Cây rau an toàn đang được triển khai thực hiện và bước đầu thu được những kết quả khả quan. Hầu hết diện tích lúa trên địa bàn huyện đã sử dụng giống lai ngoại nhập, giống kỹ thuật nội địa (trong đó lúa lai TQ chiếm 77%); 100% diện tích ngô sử dụng giống lai ngoại nhập và giống kỹ thuật nội địa (trong đó ngô lai ngoại nhập chiếm 39%).

Nhờ chú trọng thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất đến nay, diện tích gieo trồng lúa ruộng toàn huyện đạt 2.036 ha, năng suất 39,28 tạ/ha. Diện tích trồng ngô năm 2009 đạt 4.618 ha, năng suất 34,2 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt 21,507 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 398 kg/người/năm.

Là một huyện miền núi diện tích đất nông nghiệp ít, phần lớn là đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối, do đó Bắc Hà đã xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển chăn nuôi phải vừa đảm bảo được sức kéo phục vụ sản xuất, vừa là sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Bảo vệ phát triển con giống bản địa có giá trị, tập trung đầu tư phát triển mạnh đại gia súc (trâu, bò, ngựa), lợn địa phương, chú trọng qui hoạch, xác định cơ cấu đàn phù hợp từng vùng, lựa chọn con giống có chất lượng, bố trí đất trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Đây là hướng đi hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ nhiệt tình.

Để phát triển đàn đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, huyện đã tăng cường chỉ đạo lồng gắn các nguồn vốn WB, chương trình 135, vốn xóa đói giảm nghèo...tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, nội dung tập huấn kỹ thuật chăm sóc gia súc sinh sản, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trông, bảo quản thức ăn gia súc, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Thực hiện tốt các mô hình khuyến nông trồng cỏ voi, tổ chức tốt công tác tiêm vacxin phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo kế hoạch, không để dịch bệnh lây lan ảnh hưởng đến sản xuất. Các cấp chính quyền chỉ đạo mạnh dạn đưa giống bò lai sin vào phát triển: Phối hợp thực hiện đề tài khoa học Nghiên cứu, lựa chọn và lai tạo với ngựa đực lai 50% máu Cabadin để cải tạo giống ngựa Bắc Hà". Để đạt được chỉ tiêu tăng đàn, cùng với việc chú trọng phát triển tăng đàn bằng sinh sản tự nhiên, huyện quan tâm chỉ đạo tăng đàn cơ học thông qua việc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn, hỗ trợ con giống bằng nhiều nguồn vốn như Chương trình 135, WB, Mô hình xóa đói, giảm nghèo, dự án DaNiDa, vốn vay tín dụng các ngân hàng... Từ năm 2006 đến nay tổng các nguồn vốn đã đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện 6.531,31 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2008, huyện đã bố trí kinh phí đầu tư hỗ trợ cho 120 hộ gia đình làm chuồng gia súc, hỗ trợ làm 20 mô hình bảo quản thức ăn cho gia súc, thí điểm trồng ngô vụ đông lấy thân cây làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Kiện toàn tổ chức mạng lưới cán bộ làm công tác thú y cấp xã và thôn bản, hiện nay huyện có 39 cán bộ thú y xã, 33 cán bộ thú y thôn bản. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy định quản lý chăn thả gia súc, hạn chế thả dông gia súc, tạo thuận lợi cho phát triển trong rừng và các loại cây trồng khác.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên những năm gần đây, phong trào nuôi trâu, bò, ngựa ở Bắc Hà đã phát triển rộng rãi với quy mô lớn. Người dân chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Bắc Hà đã xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi giỏi với quy mô khá lớn đạt tiêu chí trang trại như: Hộ bà Lê Thị Gấm ở xã Nậm Lúc, hộ ông Cấu ở xã Bản Phố, hộ ông Mai Văn Chương ở xã Bảo Nhai thường xuyên nuôi hàng trăm con lợn thịt và lợn nái, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc sinh sản có thu nhập cao điển hình như: gia đình anh Nguyễn Đức Lợi, ông Đặng Đình Cương ở xã Cốc Lầu, ông Ma Seo Páo ở xã Bản Cái, ông Phạm Văn Phúc xã Bảo Nhai... hàng năm trừ các khoản chi phí các hộ gia đình thu lãi từ 20-35 triệu đồng. Đến nay, tổng đàn trâu 15.530 con, đàn bò 1.793 con, đàn ngựa 4.189 con, đàn lợn 34.503 con; Gia cầm, thuỷ cầm 201.365 con. Những xã có số lượng đàn đại gia súc lớn là: Cốc Ly, Cốc Lầu, Lùng Phình, Tả Van Chư, Tả Củ Tỷ. Đàn tiểu gia súc 39.500 con, tăng 49 % so với năm 2005; Đàn gia cầm, thủy cầm 192.000 con, tăng 42.000 con so với năm 2005. Chất lượng đàn gia súc đang được cải thiện, nâng lên. Đến nay đàn bò Lai sin có trên 100 con chiếm 6,3% tổng đàn bò, ngựa lai máu Cabadin 454 con chiếm 11,5% tổng đàn ngựa. Bên cạnh giống lợn lai, ngan Pháp được phát triển; hiện nay một số giống bản địa có chất lượng đang được ưa chuộng và phát triển tốt như: giống lợn đen, giống gà đen...Trung bình mỗi năm Bắc Hà cung cấp cho thị trường từ 1.000 đến 2.000 con trâu, bò, ngựa và 25.000-30.000 con lợn thịt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân 2000-2.500 tấn/năm. Chợ buôn bán gia súc tại trung tâm thị trấn Bắc Hà và một số xã trong huyện được hình thành và phát triển với quy mô khá lớn, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ gia súc trên địa bàn.

Trong lâm nghiệp, với quan điểm phát triển rừng thẹo hướng bền vững, đảm bảo qui mô hợp lí, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế từ rừng. Phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trồng rừng, trong đó lấy kinh tế hộ gia đình làm động lực phát triển. Trong những năm qua, Huyện đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, thực hiện xong việc rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, đang khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc, phân rõ ranh giới 3 loại rừng, tạo cho nhân dân yên tâm đầu tư phát triển rừng. Hàng năm huyện đều phát động phong trào trồng cây đầu xuân "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển rừng, đảm bảo thực hiện tốt quyền, lợi ích của người tham gia trồng, bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là chính sách hưởng lợi theo quyết định 178 của Chính phủ. Do vậy, nhận thức của người dân đã được nâng lên, nhiều hộ đã tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng, thực sự tạo được phong trào trồng rừng sâu rộng trong nhân dân. Nhiều hộ gia đình đã gắn bó tâm huyết với công tác trồng và bảo vệ rừng như: Hộ gia đình ông Pao ở xã Na Hối, hộ gia đình ông Sáng, ông Hoà ở Lầu Thí Ngài, hộ gia đình ông Minh ở xã Cốc Lầu...mỗi hộ trồng và nhận khoán bảo vệ hàng chục ha rừng đến nay bắt đầu cho thu hoạch sản phẩm với giá trị hàng chục triệu đồng, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Có thể khẳng định chất lượng, hiệu quả kinh tế công tác trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, nhờ vậy diện tích rừng trồng mới năm sau đều tăng hơn năm trước. Trong 4 năm huyện đã trồng mới được trên 1.650 ha rừng, riêng năm 2009, huyện trồng mới được 610 ha, đưa tổng diện tích rừng lên trên 20.654 ha, tỷ lệ tán che phủ rừng tăng lên 31,04%.

Với việc lựa chọn hướng đi đúng, chỉ đạo sát sao, kinh tế nông lâm nghiệp huyện Bắc Hà những năm qua đã và đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và đạt được những kết quả đáng khích lệ, năm 2008, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 203,5 tỷ đồng, tăng 67 tỷ so với năm 2005, chiếm 41,7% trong GDP, giảm 28,3% so với năm 2005, trong đó ngành trồng trọt 116,6 tỷ, chiếm tỷ trọng 57,3% trong nội ngành nông nghiệp, giảm l,9%; Giá trị ngành chăn nuôi 83,8 tỷ đồng, chiếm 41,2% trong nội ngành nông nghiệp, tăng 10,9%; Còn lại là sản xuất lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác đạt 16,71 triệu đồng/ha. Những kết quả nêu trên đã góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt mức cao 12- 14%/năm. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo đạt 4-5 %/ năm, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 47,09 %, đây chính là tiền đề để Bắc Hà tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá. hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh và bền vững./.

Trần Thị Hằng

UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện

 

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1