Thanh niên khởi nghiệp từ mô hình nuôi gà thả đồi ở xã Bảo Nhai
Lượt xem: 1602

         Là một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm, anh Lê Tuấn Mây, sinh năm 1991 ở thôn Nậm Khắp Trong, xã Bảo Nhai đã tận dụng lợi thế tự nhiên của địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để gây dựng mô hình nuôi gà thả đồi. Sau nhiều năm, mô hình đã phát triển thành công, đem đến cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

anh tin bai

Anh Mây chăm sóc đàn gà của mình

         Sinh ra và lớn lên tại thôn Khởi Xá Ngoài, xã Bảo Nhai, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Mây đã theo học lớp Trung cấp Thú y, tốt nghiệp trở về quê nhà Bảo Nhai, anh Mây xin được làm cán bộ thú y của xã Bảo Nhai. Sẵn có kiến thức về thú ý, nhận thấy nhu cầu của thị trường tại địa phương còn rất lớn về nhu cầu trứng và thịt gà tươi. Từ nhu cầu cung ứng của thị trường, năm 2017, anh quyết định mở trang trại nuôi già lấy trứng và nuôi gà thịt với hình thức thả đồi. Sẵn có mảnh vườn gần 1ha đang trồng cây ăn quả kém hiệu quả của gia đình, anh Mây đã xây dựng chuồng trại, dùng lưới thép bao quanh khu vườn nhà mình để nuôi gà. Từ đó, con đường khởi nghiệp phát triển kinh tế từ nông nghiệp của anh Mây có lẽ là một cái duyên. Sau nhiều năm không ngừng cố gắng, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” trang trại của anh Mây ngày một phát triển, đến nay đã mở rộng quy mô lên gần 1,8ha, nuôi 500 con gà đẻ trứng và trên 500 con gà thịt. Bên cạnh những thuận lợi về việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, việc đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả đồi cũng gặp không ít khó khăn. Anh Lê Tuấn Mây, thôn Khởi xá Ngoài, xã Bảo Nhai chia sẻ: “Khi mới bắt đầu bắt tay vào làm mô hình trang trại thì khó khăn chồng chất. Nhất là về việc lựa chọn con giống, vì trên thì trường bán tràn lan các loại giống không đảm bảo chất lượng. Cái nữa là tìm đầu ra cho sảm phẩm của mình, mỗi ngày gà có thể để ra từ 100 – 200 quả trứng, không tiêu thụ nhanh thì sẽ bị hỏng. Quan trọng nhất là công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gà. Để cùng tháo gỡ khó khăn, mình đã được chính quyền địa phương và bên Đoàn thanh niên tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách. Từ đó đảm bảo nguồn vốn, trang trại cũng phát triển ổn định hơn trước. Qua mô hình của gia đình, mình cũng thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm cho các đoàn viên, thanh niên khác khi họ có nhu cầu về phát triển kinh tế…

anh tin bai

Thu hoạch trứng gà hằng ngày

         Sau nhiều thất bại, anh Mây đã tích cóp được khá nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gà thả đồi, giờ đây anh Mây đã thuê thêm đất đồi của hàng xóm để mở rộng trang trại nuôi thêm giống gà đen Hmông, khu đồi chăn thả của gia đình anh Mây cách xa khu dân cư, rất yên tĩnh. Anh Mây lựa chọn nuôi gà thả đồi theo hình thức bán chăn thả, mỗi lứa gà từ khi nuôi đến lúc xuất bán là 6 tháng. Từ nuôi thí nghiệm 1- 2 lứa, đến nay theo chu kỳ nuôi xoay vòng, trang trại gà của anh Mây đã nuôi được 4 lứa/năm. Mỗi lứa xuất bán từ 400 - 500 con gà khi xuất bán có trọng lượng từ 1,8- 2,5kg với giá bán giao động từ 100 – 120 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó thì mỗi ngày trang trại cung cấp cho thị trường khoảng 200 quả trứng, với gia bán 5 – 6 nghìn đồng/quả. Sau mỗi lứa, anh Mây thu lãi 30 - 70 triệu đồng và một năm thu lãi từ 150 – 180 triệu đồng. Với sự nhạy bén, năng động, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, anh Mây đã có được thành công từ khá sớm. Đồng thời, mô hình của anh cũng đã mở ra hướng đi mới cho nhiều thanh niên trẻ làm nông nghiệp trong vùng, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

anh tin bai

Anh Mây đang thử nghiệm giống gà đen Hmông

         Nhận thấy mô hình chăn nuôi gà thả vườn của đoàn viên Lê Tuấn Mây hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian tới, Ban chấp hành Đoàn xã Bảo Nhai sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Đồng thời Phối hợp với các ngành tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn cho các bạn đoàn viên, thanh niên và phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tín chấp cho vay vốn thanh niên khởi nghiệp gần 1 tỷ đồng đồng. Bên cạnh đó, vận động đoàn niên tham gia xuất khẩu lao động; giới thiệu thanh niên tham gia lao động trong và ngoài xã. Anh Ngô Lam Sơn, Bí thư Đoàn xã Bảo Nhai cho biết: “Đồng chí Mây là một trong những Bí thư Chi đoàn rất năng động, nhiệt tình trong công tác cũng như có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Hiện nay, mô hình phát triển rất tốt, gà và trứng xuất ra thị trường đã được thị trường ủng hộ. Ngoài mô hình chăn nuôi của đồng chí Mây, Đoàn xã Bảo Nhai còn một hướng phát triển khác đó là: mô hình Aquaponic kết hợp nuôi cá trê, kết hợp trồng rau, nuôi gà vịt ở trên. Đối với mô hình này chúng tôi cần phải có kế hoạch rõ ràng để triển khai cho đoàn viên, thanh niên thực hiện trong thời gian tới…”

         Có thể thấy được hiệu quả từ các Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” và phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian tới, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Bắc Hà tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ cho đoàn viên thanh niên phát triển rộng rãi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên ổn định cuộc sống; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Đồng thời, chủ động làm tốt vai trò cầu nối thanh niên với các doanh nghiệp, các công ty tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm, cơ hội lập thân, lập nghiệp cho đoàn viên thanh niên. Vận động đoàn viên thanh niên chủ động tự tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo phong trào thi đua sôi nổi, xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào cách mạng tại địa phương./. 

Lê Hiếu
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1