Cách làm mới trong phát triển kinh tế của một thanh niên xã Na Hối
Lượt xem: 291
Hưởng ứng phong trào thi đua xóa đói giảm nghèo, trên địa bàn xã Na Hối - Bắc Hà đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống cho người nông dân. Trong đó phải kể tới  mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp nuôi gia cầm của anh Đỗ Văn Hải, thôn Sín Chải B, xã Na hối. Mô hình đã đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề kinh doanh buôn bán, nhưng anh Đỗ Văn Hải, ở thôn Sín Chải B, xã Na Hối lại có niềm đam mê, yêu thích gần gũi và chăm sóc vật nuôi. Chính vì vậy,  sau khi học hết phổ thông, anh  Hải ở nhà làm kinh tế, tập trung phát triển chăn nuôi. Ban đầu anh phát triển với quy mô nhỏ, chủ yếu là nuôi gà, ngan, vịt,  song  do kinh nghiệm chưa có nên việc phát triển chăn nuôi của anh gặp không ít khó khăn, hầu như không đem lại hiệu quả kinh tế. Qua đọc báo và xem truyền hình, anh thấy có giới thiệu một số mô hình chăn nuôi hiệu quả ở các huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Với các thông tin thu nhận được anh đã đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình. Từ chỗ học tập kinh nghiệm cộng với áp dụng các tiến bộ khoa học nên việc phát triển chăn nuôi của anh đã có  những chuyển biến tích cực, bước đầu đem lại lợi nhuận, tạo niềm tin để tiếp tục đầu tư đẩy mạnh chăn nuôi.

Đến đầu năm 2009, anh đã nhờ bố mẹ vay tiền để có vốn đi mua một con lợn rừng giống về nuôi thí điểm. Ban đầu việc nuôi lợn rừng còn không ít  khó khăn. Nhưng Thông  học hỏi kinh nghiệm và thực tế anh nhận thấy cách sống của lợn rừng khá giống với lợn thả rông của người dân vùng cao, cho nên anh  đã mua thêm hai con lợn nái đen của địa phương về để chăn nuôi cùng. Bằng phương pháp nuôi thả trong vườn nhà và cho ăn các thức ăn sống như ngoài tự nhiên nên việc nuôi lợn rừng của anh đã bước đầu có hiệu quả. Để phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình, anh đã thế chấp tài sản của gia đình để vay hơn 200 triệu đồng đầu tư xây chuồng trại, trên diện tích gần 4.000 mét vuông. Sau hơn một năm, đàn lợn của anh Hải đã có 5 con lợi rừng sinh sản với đàn gia cầm; gà, ngan, vịt trên 250 con. Trong hơn hai năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh Hải xuất chuồng từ 30 đến 35 con lợn rừng giống với giá dao động từ 300 - 350 nghìn đồng 1 kg. Bên cạnh việc cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn và các vùng lân cận,gia đình anh còn phát triển việc chăn nuôi lợn (cắp nách) để cung cấp cho các nhà hàng ẩm thực trên địa bàn huyện. Với mô hình nuôi lợn rừng và chăn nuôi tổng hợp, trung bình mỗi năm, gia đình anh Hải thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng.

Qua 4 năm phát triển chăn nuôi, chàng thanh niên Đỗ Văn Hải đã có nguồn thu nhập cao, vừa trả được hết nợ ngân hàng mà còn có vốn để tiếp tục phát triển mở rộng chăn nuôi. Để tiếp tục phát triển được trang trại chăn nuôi, có kiến thức khoa học áp dụng vào thực tế và thực hiện mơ ước của mình, cuối năm 2012, anh đã tham gia học Đại học nông nghiệp tại tỉnh Lào Cai.

Có thể nói, mô hình phát triển chăn nuôi lợn rừng kết hợp với các sản phẩm đặc sản địa phương của anh Đỗ Văn Hải, thôn Sín Chải B,  xã Na Hối là cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo động lực thúc đẩy phong trào xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng cao Na Hối ấm no, giàu đẹp./.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1