Ước mơ từ trên núi
Lượt xem: 348
LCĐT - “Tôi là Tráng Seo Pao, người dân tộc Mông, ở xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà). Quê tôi nghèo lắm, đất canh tác ít, toàn núi đá, sương mù bao phủ quanh năm. Đường giao thông chủ yếu là đường đất bám men núi, đồi; điều kiện sinh sống thiếu thốn. Nhà nào cũng đông con, dù làm quần quật suốt ngày cũng không đủ ăn, đủ mặc. Tôi đã ước rằng, mình có thể học tập tốt, học cao để trở về góp sức cùng quê hương thoát nghèo. Và rồi nhờ Dự án 600 phó chủ tịch xã, tôi được đứng đây với cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã, tôi thấy thật vinh dự, phấn khởi vì có
 

 emoticon

Vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Thật ấn tượng khi nghe lời phát biểu của cán bộ trẻ người dân tộc Mông này, nên tôi đã không ngần ngại vượt qua dốc Bản Phố về quê anh những ngày đầu xuân. Dáng người thấp, đậm nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn cùng vẻ thông minh toát ra mỗi khi nói chuyện là cảm nhận đầu tiên của tôi về Tráng Seo Pao. Cán bộ trẻ đang bận bịu với một “núi” công việc, nhưng vẫn nhiệt tình đưa tôi đến các thôn, bản vùng cao - nơi anh đang triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngồi sau xe máy do Pao cầm lái lên thôn Sỉn Chồ I và II, tôi nín thở khi thấy chiếc xe rẽ vào đường bê tông nhỏ có chiều rộng khoảng hơn 1 m như sợi chỉ, uốn lượn cao dần rồi chìm vào sương mù, đoạn men theo vực sâu, đoạn xuyên qua những phiến đá. Pao bảo: “Khó khăn lắm thôn mới hoàn thành đoạn đường liên gia dài 500 m này đấy! Từ khi có đường, bà con rất phấn khởi vì có thể đi xe máy về tận nhà, không phải gửi phía dưới. Trước đó, đường về 2 thôn vùng cao này chỉ là đường mòn, dốc đứng, không ai nghĩ rằng có thể làm được đường bê tông lên”.

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã dựng xe ở trung tâm thôn, Pao chỉ cho tôi thấy tất cả đường vào các hộ dân trong thôn đều được đổ bê tông. Đây chính là một phần kết quả trong Đề án tốt nghiệp Dự án 600 phó chủ tịch xã mà Tráng Seo Pao đang triển khai tại xã Hoàng Thu Phố. Khi được hỏi vì sao tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, một chuyên ngành rất dễ kiếm việc làm hiện nay, Pao lại quyết định trở về quê nhà? Không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi nhưng Pao lại kể chuyện học tập của mình. Ánh mắt nhìn ra xa, Pao hồi tưởng về tuổi thơ gian khó: Năm 1994, khi đã 11 tuổi, Pao mới xin bố mẹ được đi học và rủ thêm 7 bạn nữa học cùng. Con đường đến trường là đường rừng, dài khoảng 7 km, nên sau 3 tháng, các bạn nghỉ hết. Nhiều lúc thấy nản muốn bỏ học, nhưng khi có thể đọc và viết chữ, Pao rất vui, có thêm nghị lực theo đuổi việc học tập. Đến năm lớp 2, xin nhà trường được ở bán trú để có thể ổn định học tập, về khoe với bố, tưởng bố mừng, không ngờ bố mắng: “Ở bán trú lấy gì mà ăn?”. Nhìn cha mẹ cằn cỗi bởi gian truân, vất vả, Pao càng quyết tâm đi học để mong học được nhiều kiến thức, thay đổi cuộc sống. 8 năm học bán trú với những bữa cơm, bữa cháo, mèn mén, rồi Pao cũng hoàn thành chương trình trung học cơ sở với học lực khá... Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Pao trúng tuyển Trường Trung học phổ thông huyện với điểm số cao và được học lớp chọn. Suốt 3 năm học, Pao luôn cố gắng, phấn đấu đạt học lực khá, giỏi và nuôi ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng. Nhờ chính sách quan tâm của Nhà nước đối với con em dân tộc thiểu số, Tráng Seo Pao được huyện Bắc Hà chọn đi học Đại học Kiến trúc Hà Nội hệ cử tuyển. Một lần nữa phải sống trong môi trường học tập xa nhà, nhưng với quyết tâm học nghề đã giúp chàng trai người Mông trải qua mọi vất vả để hoàn thành 5 năm đại học. Sau khi ra trường, đang băn khoăn không biết trở về làm gì để có thể giúp gia đình và xây dựng quê hương mình thì Dự án 600 phó chủ tịch xã được triển khai. Pao mừng rơi nước mắt và mạnh dạn đăng ký hồ sơ. Và anh đã trúng tuyển, rồi được phân công về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã Hoàng Thu Phố - quê hương anh.

Khi được hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn quê hương tuy đã đổi thay nhiều, nhưng vẫn còn bộn bề khó khăn, Tráng Seo Pao đã trăn trở bao suy nghĩ. Mặc dù được đào tạo bậc đại học, chuyên ngành kiến trúc, nhưng trên thực tế, Tráng Seo Pao chưa có kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, từ việc tổng hợp công việc, chỉ đạo, điều hành đến công tác tuyên truyền, vận động. Hành trang đến với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã của Pao chỉ là kiến thức học được ở nhà trường, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao được cống hiến cho quê hương. Nhớ lại thời gian đầu công tác, Pao cười tâm sự: “Tôi thuận lợi là sinh ra tại Hoàng Thu Phố, thông thạo địa hình, phong tục, tập quán, không có trở ngại về giao tiếp. Nhưng khi xuống bản triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bà con không nghe, còn mắng: “Mày là con, cháu, không được bảo tao phải làm cái này, cái kia!”. Dở khóc, dở cười, sau đó tôi cũng đã tìm ra cách để tuyên truyền, lấy sự mềm dẻo, thân tình để nói cho bà con hiểu mặt lợi, hại của vấn đề. Ví dụ như việc làm đường giao thông, nếu có đường thì không phải chở ngô, chè bằng ngựa nữa, chân không phải mỏi và lấm lem vì suốt ngày đi bộ, có thể mua xe máy đi lại cho thuận tiện. Khi vận động học sinh đến lớp, tôi lấy chính gương bản thân mình ra để tuyên truyền, rằng nhờ chịu khó học, nên con em người Mông được học nhiều thứ, làm được nhiều việc...”.

Đang dở câu chuyện, chúng tôi gặp một người dân tầm trung tuổi vừa đi làm nương về chuẩn bị ngược dốc lên thôn Sỉn Chồ, thấy Pao, người đàn ông này lại gần hồ hởi hỏi han. Pao giải thích: “Chú này ở thôn trên, đang hỏi tôi xem sắp tới làm đường tiếp ở thôn nào”. Còn người đàn ông cũng có vẻ hãnh diện khi nói về người cán bộ là con em người Mông: “Từ khi Pao về làm cán bộ xã, nó nói nhiều điều phải lắm, dân bản mới làm được tuyến đường về thôn, sống từ bé tới giờ mới được đi xe máy về nhà đấy!”.

 emoticon

Tráng Seo Pao đang thành công với đề án làm đường liên gia.

Được biết, mặc dù đường từ trung tâm huyện đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã khá thuận lợi, nhưng hầu hết đường đến các thôn chủ yếu là đường mòn hoặc rải đá cấp phối đã xuống cấp. Do vậy, khi về công tác tại địa phương, với kiến thức được học, Pao đã khảo sát, nắm bắt tình hình của xã, sau đó lập kế hoạch trình Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã xin ý kiến chỉ đạo phát động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, trong đó có 3 nhiệm vụ chuyên đề năm 2013. Các chương trình được thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong quá trình triển khai, Pao đã tham mưu, trực tiếp thiết kế và vận động nhân dân đào 2,5 km nền đường liên gia, ngõ xóm; đổ bê tông hơn 2.000 m đường liên gia của thôn Sỉn Chồ và Nhù Sang; hoàn thành 200 nhà vệ sinh và 220 chuồng nuôi gia súc... Tại hội nghị sơ kết hoạt động của các đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã toàn tỉnh vừa qua, người cán bộ bản Mông - Tráng Seo Pao được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng Pao nói rằng mình chưa làm được gì nhiều cho quê hương và thật sự trăn trở khi tỷ lệ đói, nghèo của xã vẫn còn cao, nhiều trẻ em bỏ học giữa chừng, dịch bệnh xảy ra và hủ tục vẫn tồn tại.

Xuống núi khi trời đã về chiều, sương mù giăng kín lối đi nhưng tôi vẫn cảm nhận được “ngọn lửa” nhiệt huyết đang rực cháy trong trái tim người trí thức trẻ khi anh vẽ ra kế hoạch thực hiện ước mơ của mình trong mùa xuân mới với cương vị cán bộ xã - người con dân tộc Mông trên vùng cao Hoàng Thu Phố.



Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1