Hoàng Thu Phố nỗ lực bảo vệ vườn chè cổ thụ
Lượt xem: 249

         Trung bình mỗi kg chè búp tươi đang được bán với giá từ 7.500 đến 9.000 đồng. Vậy nhưng, với nông dân xã Hoàng Thu Phố, chè Shan tuyết cổ thụ giá lên đến 50 nghìn đồng mỗi kg. Cho giá trị kinh tế cao, vì thế, địa phương đang nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ, bảo tồn cây chè cổ thụ này, giúp bà con có thêm thu nhập từ những cây trồng cả nghìn năm tuổi.

anh tin bai

Những cây chè có tuổi đời hơn 100 tuổi ở xã Hoàng Thu Phố

         Có 470 cây chè Shan tuyết cổ thụ, gia đình chị Hảng Thị Chư đã rào bảo vệ để không bị kẻ xấu hái trộm. Cây chè này có đường kính đến hơn một mét, được rào bảo vệ riêng. Vụ xuân là thời điểm chè ra nhiều búp nhất, gia đình đã hái bán cho doanh nghiệp với giá 50 nghìn đồng mỗi kg, cao hơn so với vụ xuân năm trước, giúp có nguồn thu đáng kể. Chị Hảng Thị Chư, thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố chia sẻ: Có người trả mình tiền công chăm sóc, bảo vệ. Giờ hái búp bán cho họ lại được thêm tiền nữa. Nhà nào có chè này giờ cũng giữ lại để hái búp bán được nhiều tiền.

anh tin bai

Vào vụ người dân phải trèo lên cây mới hái được búp chè tười

         Chè cổ thụ ở Hoàng Thu Phố được canh tác hoàn toàn hữu cơ. Mỗi năm, nông dân làm cỏ thủ công từ 2 đến 3 lần. Một số hộ gia đình bón phân chuồng phơi khô để cung cấp thêm dinh dưỡng nuôi cây. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan tuyết cổ thụ, anh Giàng Seo Quả đã chủ động thu hạt, trồng thêm được vài chục cây mới, để tạo nguồn thu nhập cho thế hệ tương lai.

         Chè Tuyết shan cổ thụ không chỉ là loại chè quý và rất có lợi cho sức khỏe khi sử dụng, mà còn là loại chè "sạch" từ khâu chăm sóc đến khi chế biến ra sản phẩm. Do mỗi năm chỉ hái được một đến hai lần nên sản lượng không nhiều, ngoài ra, giá cả trên thị trường lại rất bấp bênh và thấp hơn so với các sản phẩm chè sản xuất theo hướng hàng hóa. Vì thế nên những năm gần đây, đồng bào Mông ở Hoàng Thu Phố không còn mặn mà với cây chè cổ thụ, những gốc chè to nhất bắt đầu bị đốn hạ, xẻ thành ván làm nhà hoặc bán cho thương lái. Nhiều người làm chè tâm huyết ở Hoàng Thu Phố cũng đau xót lắm, nhưng không biết làm gì hơn. Toàn xã Hoàng Thu Phố hiện chỉ còn 1.937 cây chè cổ thụ. Những cây có đường kính trên 80cm đều đã được đánh số. Cách làm này giúp bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các vườn chè Shan tuyết cổ thụ nhằm tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân tại địa phương; lưu giữ nguồn gen quý có giá trị về khoa học, văn hóa và kinh tế. Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: Xã tuyên truyền, trong bản hương ước, quy ước của các thôn cũng nghiêm cấm bán, di dời cây chè ra khỏi vị trí hiện có. Xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện thực hiện rà soát, đánh số từng cây.

anh tin bai

Những gốc chè cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt

         Hiện Bắc Hà có 102.190 cây Chè Shan cổ thụ tập trung ở 5 xã là Nậm Mòn, Hoàng Thu Phố, Bản Liền, Tả Van Chư và Tả Củ Tỷ. Bảo tồn và phát huy giá trị của rừng chè cổ thụ, huyện Bắc Hà hướng đến mục tiêu thu nhập kép từ thu hái búp và phát triển du lịch sinh thái. Giá chè cổ thụ búp tươi hiện ở mức 50 nghìn đồng mỗi kg. Chè cổ thụ cho nhiều búp nhất là vụ xuân. Sau lứa chè xuân, nếu thời tiết có mưa, độ ẩm cao, cây chè vẫn cho búp khá đều đến tận tháng 10, tuy sản lượng có thấp hơn.

    Giữ được rừng chè cổ thụ, nhiều hộ dân tại địa phương cũng đã gắn với phát triển du lịch trải nghiệm. Do đây là cây nhiều năm tuổi, có hình dáng đẹp, giá trị kinh tế cao, huyện Bắc Hà đang xây dựng phương án bảo vệ cây chè cổ thụ từ nguồn ngân sách địa phương và tiến tới hoàn tất thủ tục để được công nhận là cây di sản Việt Nam./.

Lê Hiếu
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 35
  • Hôm nay: 873
  • Trong tuần: 28,846
  • Tất cả: 2,688,666