Hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Gừng trâu và Ớt trên địa bàn huyện Bắc Hà
Ngày 18/7, tại huyện Bắc Hà, UBND huyện Bắc Hà và Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông có địa chỉ tại Khu 8, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức buổi làm việc bàn biện pháp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Gừng trâu và Ớt trên địa bàn huyện Bắc Hà. Dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo UBND huyện Bắc Hà; Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông cùng đại diện một số phòng ban chuyên môn liên quan trên địa bàn huyện.
Tại buổi làm việc, sau khi thảo luận, bàn bạc, UBND huyện Bắc Hà và HTX Nông nghiệp Thượng Nông đã ký kết biên bản ghi nhớ về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Gừng trâu và Ớt trên địa bàn huyện Bắc Hà.
Theo đó, 2 bên cam kết chung trong việc triển khai thực hiện chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ Gừng trâu, ớt chỉ thiên trên địa bàn huyện Bắc Hà trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong đó, huyện Bắc Hà có trách nhiệm xây dựng vùng trồng tối thiểu 5ha trên một đơn vị canh tác. Huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các xã trong vùng dự án để tổ chức triển khai thực hiện phát triển vùng trồng Gừng trâu, ớt chỉ thiên đảm bảo diện tích, sản lượng theo cam kết tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo Nhân dân áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật mà HTX và Công ty cung cấp vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, thu nhập cho nhân dân.
Trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND huyện Bắc Hà và HTX Thượng Nông
Đối với HTX Nông nghiệp Thượng Nông: Phối hợp chặt chẽ với huyện Bắc Hà triển khai thực hiện, phát triển vùng trồng Gừng và ớt. Ứng trước 50% giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí khác cho bà con Nhân dân (Cả gừng và ớt). Cam kết thu mua: bằng 70% giá chệnh trên thị trường sau khi phối hợp các đơn vị tại huyện khảo sát giá tại thời điểm thu mua, đã trừ giá bảo hiểm. Cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với phòng ban chuyên môn của huyện và UBND các xã trong vùng dự án chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăm sóc thu hoạch cho Nhân dân. Chịu trách nhiệm sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Trong đó, phát triển vùng sản xuất gừng diện tích tối thiểu 50ha/năm, sản lượng 40 tấn/ha; Phát triển vùng sản xuất ớt diện tích tối thiểu 10ha/năm, sản lượng 15-20 tấn/ha để cung cấp cho công ty chế biến, xuất khẩu.
Mô hình liên kết giữa 2 đơn vị sẽ được triển khai bắt đầu từ năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 với mục tiêu đưa hai loại cây này trở thành cây phát triển kinh tế hàng hóa quan trọng của huyện, phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của người dân ở địa bàn các xã vùng cao, từ đó nhân rộng ra địa bàn toàn huyện. Mô hình này cũng được kỳ vọng sẽ là giải pháp quan trọng, hướng đi mới cho sự phát triển của phương thức canh tác hàng hóa chất lượng cao và tạo chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm nông sản cho bà con nông dân tại địa phương./.