Du lịch cộng đồng giúp thanh niên Bản Phố khởi nghiệp
Lượt xem: 522
CTTĐT - Bản Phố trong những năm qua đã ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Nắm bắt cơ hội này, nhiều thanh niên Bản Phố đang rất tích cực khởi nghiệp trên quê hương từ mô hình du lịch cộng đồng


Homestay của anh Lý Vần Sồ
 
Thăm Chô Family của anh Vàng Seo Chô (sinh năm 1989) ở thôn Phéc Bủng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước không gian homestay được thiết kế rộng dãi, thoáng đãng. Gặp chủ nhân mô hình, chúng tôi cảm nhận anh Chô là người gần gũi, hiền lành, cử chỉ thân mật. Qua trao đổi thông tin, anh Chô cho biết: Tôi đã từng đi học trung cấp du lịch 2 năm và sau đó làm một số nghề nghiệp. Sau một thời gian, tôi nhận thấy quê hương Bản Phố có rất nhiều tiềm năng du lịch nên đã quyết định trở về để xây dựng homestay. Mô hình được xây dựng từ năm 2017 đến nay đã cơ bản đi vào ổn định. Homestay được thiết kế cách tân từ kiến trúc nhà ở truyền thống của người Mông, có 7 phòng (2 phòng giường đơn, 4 giường đôi và 1 gian phòng tập thể). Bên cạnh đó, tại Chô Family còn có 1 khu nhà hàng, thưởng thức cà phê và có cả khu vực vọng cảnh có thể vươn tầm mắt và hòa mình vào thiên nhiên. Mặc dù không phải là ngày nghỉ cuối tuần nhưng cũng có khá nhiều khách du lịch ghé thăm, trong đó có cả những vị khách từ nước ngoài đến lưu trú.


 
Đồng chí Vàng Seo Lú - Bí thư Đoàn xã tham quan, động viên Chô Family
 
Cũng như Vàng Seo Chô, anh Lý Vần Sồ - sinh năm 1990, ở thôn Bản Phố 2 bắt đầu xây dựng mô hình homestay từ đầu năm 2017. Sồ cũng lựa chọn thiết kế không gian nhà ở truyền thống của người Mông. Tại không gian các phòng, anh Sồ lựa chọn phong cách thiết kế mộc, sử dụng nguyên liệu chính từ gỗ thông địa phương. Anh Sồ tận dụng cây tre để thiết kế vật dụng, dụng cụ và hệ thống giàn đèn chiếu sáng hết sức đẹp mắt tạo không gian hết sức gần gũi, bình dị. Bên cạnh đó, anh còn thiết kế khu nhà chòi ngắm cảnh, khu vui chơi thể thao, đốt lửa trại….


 
Khách nước ngoài thích thú khi đến với homestay của a Lý Vần Sồ
 
Để có các cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Sồ và anh Chô đã phải bỏ chi phí hơn 2 tỷ đồng để xây dựng. Do nhà khó khăn nên anh Chô đi vay ngân hàng, bạn bè. Trong khi đó anh Sồ từ những ngày đầu tiên làm mô hình phải nhờ bạn bè, họ hàng giúp đỡ ngày công, cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách sử dụng vật kéo như trâu, ngựa để san gạt nền. Suốt quá trình xây dựng các anh đều gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm xây dựng. Quá trình đi vào vận hành gặp nhiều khó khăn do khách chưa biết nhiều đến các mô hình lưu trú.

Với ý chí quyết tâm, “không có việc gì khó - chỉ sợ long không bền” của tuổi trẻ, các mô hình homestay đã từng bước vượt qua khó khăn và ngày càng được nhiều người biết đến. Bản thân anh Sồ tự mình mày mò trên mạng, trau dồi tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt với khách nước ngoài. Bên cạnh đó anh còn tìm hiểu thêm tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Pháp để có thể giao tiếp cơ bản và giới thiệu lưu loát về thiên nhiên, con người Bản Phố. Nhìn vào thực đơn phục vụ của Chô Family, chúng tôi có thể cảm nhận được những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu khi anh Chô lên một danh sách với nhiều món ăn phương tây. Bên cạnh đó, Chô cũng nghiên cứu việc kết hợp với nguyên liệu địa phương để nấu các món ăn kết hợp với phong cách châu Âu để tạo sự mới lạ và được nhiều khách nước ngoài thích thú. Anh Chô cũng không quên giới thiệu cho khách các món ăn truyền thống bản địa như gà nướng, khâu nhục, thắng cố, phở Bắc Hà và các món chế biến từ lợn địa phương…


 
Anh Lý Vần Sồ đưa khách thăm quan, trải nghiệm leo núi
 
Hiện tại, xã Bản Phố có 3 homestay và đều do thanh niên làm chủ. Anh Vàng Seo Lú - Bí thư Đoàn xã cho biết: Trong thời gian qua, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, Đoàn xã đã tích cực tuyên truyền, vận động và được đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng, khởi nghiệp trên quê hương và mạnh dạn theo hướng phát triển các mô hình cộng đồng. Các homestay đều được chủ mô hình tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng, tạo hướng nhìn bắt mắt có thể nhìn thấy toàn bộ quang cảnh Bản Phố với những dãy núi hùng vĩ, cánh đồng bao la, thấp thoáng những bản làng người Mông. Để níu giữ khách du lịch lâu dài, anh Chô hay anh Sồ còn tự mày mò hình thành các tuyến đi bộ trên khắp các bản làng, cho du khách trải nghiệm leo núi; tham gia các công việc nhà nông như gặt lúa, cắt cỏ, chăn nuôi hay dệt thổ cẩm. Anh Chô cho biết: Các homestay đều có mối liên kết để chia sẻ kinh nghiệm và luôn nhắc nhở nhau phải tạo thiện cảm, phục vụ nhiệt tình để du khách đến đây sẽ nhớ về bản làng, về con người Bản Phố. Điều đáng nói, các homestay đều được thiết kế với không gian xung quanh là rừng mận tam hoa. Khách du lịch cũng không phải thất vọng khi “check in” vào mùa hoa mận nở và trải nghiệm việc làm cỏ, chăm sóc và thu hái mận. Nhờ vậy, khách du lịch ngày càng tăng, đôi khi các mô hình phải san khách do hết phòng.

Bản Phố ngày càng được du khách gần xa biết đến và lựa chọn là địa điểm lưu trú và trải nghiệm lý tưởng mỗi khi khách du lịch đến Bắc Hà. Đồng chí Lý Seo Sùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bản Phố đánh giá: Trong thời gian qua, thanh niên Bản Phố đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từ lợi thế của địa phương về cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc để tìm tòi hướng đi phát triển du lịch cộng đồng và nắm bắt những thuận lợi từ những chính sách hỗ trợ. Bản Phố được du khách trong nước và quốc tế biết đến là nhờ một công sức quan trọng của thanh niên.

Bí thư đoàn xã Vàng Seo Lú cho biết thêm: Đoàn xã phấn đấu sẽ tuyên truyền vận động thanh niên tiếp tục phát triển các mô hình du lịch cộng đồng; tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vệ sinh môi trường nông thôn và xây dựng hình ảnh thanh niên Bản Phố hòa đồng, thân thiện, hiếu khách. Với việc cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, đây là những thuận lợi để thanh niên Bản Phố làm giàu trên quê hương, vì mục tiêu chung đưa xã Bản Phố ngày càng phát triển.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1