Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, trong những năm qua Hội LHPN huyện Bắc Hà đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến toàn thể hội viên phụ nữ tham gia. Trong quá trình thực hiện đã có rất nhiều tấm gương hội viên phụ nữ gương mẫu đi đầu trong hưởng ứng cuộc vận động tại địa phương, vươn lên làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu như chị Thào Thị Mỷ, chi hội phụ nữ thôn Sẻ Chải, xã Lùng Cải với mô hình nuôi dê thả đồi, cho thu nhập hàng năm trên 70 triệu đồng.
Chị Thào Thị Mỷ chông coi đàn dê của gia đình
Được biết trước đây kinh tế gia đình chị Thào Thị Mỷ chủ yếu dựa vào trồng lúa và ngô, nhưng do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó thu nhập bấp bênh không ổn định. Sau bao năm tìm tòi, trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình. Qua tìm hiểu sách báo và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi dê. Bằng sức trẻ, sự năng động nhiệt tình, phát huy đức tính chịu thương, chịu khó, chị Mỷ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê thả đồi. Tận dụng địa thế đất đồi, rừng của gia đình rộng trên 3ha, từ năm 2020, chị Mỷ bàn với gia đình mua thử 15 con dê về nuôi thử. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên đàn dê của gia đình chậm lớn, một số con bị chết do dịch bệnh. Không nản chí, chị Mỷ đi tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi dê của những gia đình thành công trên địa bàn. Bên cạnh đó, chị tìm đến cơ quan chuyên môn của huyện như Phòng Nông nghiệp, Trạm Thú y để học hỏi kiến thức nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê. Từ những kiến thức học hỏi thực tế qua các mô hình nuôi dê thành công và kiến thức từ các cơ quan chuyên môn, chị Mỷ dần mở rộng quy mô phát triển đàn dê của gia đình. Dê sinh sản rất nhanh, 01 mẹ dê đẻ 2- 3 con/ 1 lần. Đến nay, đàn dê của gia đình Chị Mỷ luôn duy trì từ 80 đến 100 con. Chị Thào Thị Mỷ, thôn Sẻ Chải, xã Lùng Cải chia sẻ: Từ khi hai vợ chồng ra ở giêng thì, chỉ có ít ruộng chồng lúa, chồng ngô không mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình. Được chị em phụ nữ xã tuyên truyền, vận động, vay được ngân hàng 100 triệu để mua dê về nuôi, tới giờ kinh tế gia đình đã khá hơn. Nuôi con dê không khó, chỉ cần thả lên rừng không như nuôi trâu, bò phải cắt cỏ về cho ăn. Một năm nó sinh sản cũng rất nhanh, giúp gia đình phát triển kinh tế nhanh hơn…
Trang tại nuôi dê của gia đình chị Mỷ ở thôn Sẻ Chải, xã Lùng Cải
Ngoài phát triển chăn nuôi dê quy mô hộ gia đình, trong những năm qua, chị Mỷ đã liên kết với một số hộ chăn nuôi dê trong thôn để cùng nhau phát triển đàn dê của địa phương theo hướng hàng hóa. Theo chị Mỷ, khi đã cùng liên kết chăn nuôi dê với các hộ gia đình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cùng nắm bắt được nhu cầu của thị trường và không bị tư thương ép giá. Ngoài ra khi đã liên kết chăn nuôi, các hộ gia đình sẽ hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, nguồn thức ăn và giống khi cần thiết… Để phát triển đàn dê thành công, chị Mỷ đa cùng với gia đình xây dựng chuồng nuôi dê riêng biệt nhằm đảm bảo mật độ dê hợp lý khi nuôi nhốt. Chị Mỷ chỉ chăn thả dê lên đồi rừng trong những ngày trời nắng, những ngày trời mưa, dê được nuôi nhốt và cho ăn bổ sung bằng cỏ được cắt về từ rừng và được bổ sung thêm thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô và một số khoáng chất…
Chị Mỷ chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê thả đồi với hội viên phụ nữ trong thôn, xã
Từ những thành tích trong phát triển liên kết chăn nuôi dê, gia đình chị Thào Thị Mỷ đã được Hội LHPN xã, huyện biểu dương, khen thưởng. Mô hình phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình chị Mỷ cũng đã trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các hội viên phụ nữ, nông dân… trong và ngoài xã Lùng Cải trong thời gian qua. Chị Mỷ xứng đáng là một tấm gương sáng để đồng bào các dân tộc trong xã học tập, làm theo. Chị Ly Thị Cá, Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Cải cho biết: Những năm trước thì gia đình chị Mỷ này cũng rất khó khăn, quanh năm chỉ nhìn vào mảnh lương chồng ngô, lúa lên kinh tế phát triển chậm. Từ khi gia đình chị ý định hướng phát triển kinh tế bằng nuôi dê thả đồi. Một tháng có thể xuất bán từ 15-20 triệu dê thịt. Với các phong trào ở thôn thì chị Mỷ luôn gương mẫu, nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệp làm giàu tới chị em phụ nữ để cùng nhau phát triển…
Với kinh nghiệm nuôi dê, chị Mỷ cũng thường xuyên chia sẻ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho các hội viên phụ nữ và bà con nông dân tại địa phương. Vươn lên bằng chính sức lao động của bản thân, chị là tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Việc làm của chị đã góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương./.