Tòa án nhân dân huyện Bắc Hà tổ chức phiên tòa giả định liên quan đến lĩnh vực cưỡng chế, thu hồi, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện
Ngày 16/7, tại nhà văn hóa đa Năng xã Tà Chải, Tòa án nhân dân huyện Bắc Hà mở phiên tòa giả định xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về “chống người thi hanh công vụ”, liên quan đến lĩnh vực cưỡng chế, thu hồi, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện.
Quang cảnh phiên tòa
Phiên tòa giả định đã được diễn ra như một phiên tòa thật, với đầy đủ thành phần, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Từ thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa đến bị cáo, bị hại, lực lượng hổ trợ tư pháp, thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong phiên tòa xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Nội dung phiên tòa giả định được xây dựng trên một vụ án “Chống người thi hành công vụ” có thật, liên quan đến lĩnh vực cưỡng chế, thu hồi, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện thời gian vừa qua.
Các bị cáo khai nhận hành vi tại tòa
Tình huống giả định hành vi phạm tội đặt ra, trong thời gian từ 04/3/2024 đến ngày 02/4/2024, VAP, VVT và LTH đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Tại phiên tòa các bị cáo nhận tội và khai: Đất của hộ gia đình bị cáo là VAP đã có quyết định thu hồi đất, nhưng bị cáo VAP vẫn dựng nhà, bếp, chuồng trâu trái phép trên diện tích đất trên, khi biết ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà có quyết định cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng, tháo dỡ nhà và các công trình của VAP, các bị cáo VAP, VVT đã hai lần, bị cáo LTH 01 lần chống trả quyết liệt lại lực lượng cưỡng chế, các bị cáo dùng gậy, đá, chai xăng, bình ga và một số vật dụng khác để chống trả với mục đích không cho lực lượng cưỡng chế tháo dỡ được nhà và các công trình của VAP.
Bị cáo VAP là người chủ mưu, khởi xướng, chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội đồng thời cũng là người chống đối lực lượng cưỡng chế quyết liệt nhất vì vậy bị cáo Phảng phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò chính trong vụ án, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội. Các bị cáo VVT và LTH là người tích cực giúp bị cáo VAP chống trả lực lượng cưỡng chế đến cùng để ngăn cản không cho lực lượng cưỡng chế tháo dỡ nhà và các công trình khác của VAP. Hai bị cáo là đồng phạm với VAP, phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò thứ hai trong vụ án. Cần phải xử phạt bị cáo một mức án tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Chủ tọa phiên tòa tuyên án
Áp dụng khoản 2 Điều 330, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 58 của Bộ luật Hình sự. Tuyên phạt bị cáo VAP từ 02 năm đến 02 năm 03 tháng tù; bị cáo VVT từ 01 năm 03 tháng đến 01 năm 06 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Áp dụng khoản 1 Điều 330, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17,58; khoản 1,2,5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự tuyên phạt LTH từ 01 năm 03 tháng đến 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tuyên thời gian thử thách theo qui định
Phiên tòa giả định mang tính trực quan, phản ánh đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo, các quy định pháp luật và mức án được áp dụng, giúp người dân tham dự phiên tòa hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp bà con nhân dân tại địa phương biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật.
Việc tổ chức và nhân rộng các Phiên tòa giả định được xem là cách làm thiết thực mang lại hiệu quả giáo dục, răn đe cao đối với các tầng lớp nhân dân, đặc viết là với thanh thiếu niên. Đây cũng là công cụ để Ngành chức năng tuyên truyền hiệu quả pháp luật trong tình hình hiện nay. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn./.