Đoàn công tác huyện Bắc Hà tham gia nhiều hoạt động tại lễ hội truyền thống Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, Quận Long Biên, thành phố Hà Nội năm 2024
Lượt xem: 80

         Trong 3 ngày từ 09/4 đến 11/4/2024 (tức 01/3 đến 03/3 âm lịch năm Giáp Thìn), tại di tích Đền Trấn Vũ phường Thạch Bàn, quận Long Biên thành phố Hà nội đã long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống năm 2024 và Giao lưu - trình diễn Nghi lễ và trò chơi Kéo co - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.

anh tin bai

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đền Trấn Vũ

         Tham gia các hoạt động tại lễ hội, huyện Bắc Hà đã thành lập đoàn công tác của huyện do ông Đinh Mạnh Ninh- Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bảo Nhai làm trưởng đoàn. Tham gia cùng đoàn công tác của huyện còn có gần 30 diễn viên, nghệ nhân thuộc đội văn nghệ thôn Trung Đô xã Bảo Nhai.

         Hội đền Trấn Vũ phường Thạch Bàn được tổ chức thường niên vào ngày mùng ba tháng ba (Âm lịch) hàng năm, được chính quyền các cấp quan tâm, nhân dân xa gần về dâng hương cầu nguyện. Lễ hội thường được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 01/3 đến ngày 3/3 âm lịch với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng: Phần nghi lễ theo tín ngưỡng gồm: rước kiệu, dâng hương, tế lễ. Vào ngày chính hội - ngày đản sinh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, tại Đền tổ chức thực hành trò “Kéo co Ngồi” - 3 mạn tham gia: mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa. Mỗi đội kéo có 15, 17 hoặc 19 người tùy từng năm và một Tổng cờ. Nam giới cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít dây đỏ. Tổng cờ mặc áo đỏ, khăn đỏ. Trước khi kéo co, 3 mạn mang lễ vật làm lễ trình đức thánh tại sân đền. Sau khi làm lễ mới bắt đầu kéo co. Dây kéo co được làm băng dây song có độ dài 25m-30m, đường kính 5cm, đầu và ngọn bằng nhau. Cột kéo co làm bằng gỗ lim, sơn đỏ chôn trên nền đất. Điểm độc đáo của Nghi lễ này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Thông qua trò chơi và nghi lễ kéo co, người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu.

anh tin bai
Nghi thức “Kéo co ngồi” đền Trấn Vũ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

         Ngày 19/12/2014, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã ban hành quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận nghi thức “Kéo co ngồi” đền Trấn Vũ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 12-2015, Kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên “Nghi lễ và trò chơi kéo co”, do bốn quốc gia Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình. Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO công nhận “Nghi lễ và trò chơi kéo co” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, trong đó có lễ hội Kéo co của thôn Trung Đô xã Bảo Nhai huyện Bắc Hà

         Tại Đền Trấn Vũ huyện Thạch Ban, quận Long Biên đoàn công tác của huyện Bắc Hà đã tổ chức lễ dâng hương tại đền và tham gia hội nghị Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cộng đồng kéo co của các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định.

         Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã được xem Phóng sự Phường Thạch Bàn- Quận Long Biên 20 năm trưởng thành và phát triển. Đặc biệt các đại biểu dự buổi giao lưu được nghe đại diện cộng đồng Kéo co Thị trấn Hương Canh- Huyện Bình Xuyên- Tỉnh Vĩnh Phúc; Đại diện cộng đồng Kéo co Thôn Trung Đô- Xã Bảo Nhai- Huyện Bắc Hà- Tỉnh Lào Cai; Đại diên Cộng đồng Kéo co thôn Trung Đô chia sẻ về nghi lễ và trò chơi kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao, còn là một nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh, ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi vùng miền.

anh tin bai
Quang cảnh buổi gặp mặt giao lưu

Cũng tại buổi giao lưu, các cộng đồng kéo co, các đơn vị tham gia giao lưu đã có những món quà mang nét đặc trưng của từng cộng đồng kéo co dành tặng các đơn vị tham gia buổi giao lưu.

anh tin bai
anh tin bai
Tặng quà cho các đơn vị tham gia giao lưu

         Buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cộng đồng kéo co là dịp để học hỏi, giao lưu giữa các cộng đồng nắm giữ và thực hành kéo co nhằm đẩy mạnh việc phát huy, quảng bá và giới thiệu các giá trị của di sản này; đồng thời, thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, sự gắn kết giữa các cộng đồng kéo co tại Việt Nam góp phần gìn giữ, bảo tồn “Nghi lễ và trò chơi Kéo co” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.

 
anh tin bai

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt giao lưu

         Tải phần hội của lễ hội Đền Trấn Vũ, huyện Bắc Hà đã mang đến phần hội nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa đất và người Bắc Hà thông qua các tiết mục văn hóa văn nghệ, hoạt động tái hiện lại các nghi lễ trong việc tổ chức lễ hội kéo co của thôn Trung Đô với nhiều hoạt động đặc sắc như lễ cúng xin thần linh tổ chức lễ hội, lễ rước dây kéo, lễ kéo co, lễ hội xòe…

 
anh tin bai
anh tin bai

Trình diễn nghi lễ kéo co của thôn Trung Đô tại lễ hội đền Trấn Vũ

         Nghi lễ kéo co của cộng đồng Người Tày tại Lào Cai là một trong những trò gắn với tín ngưỡng cầu mùa và không thể thiếu trong lễ hội Xuống đồng dịp đầu xuân. Trò kéo co được tổ chức trên cánh đồng, ở vị trí thuận lợi, phía dưới thường có suối chảy qua. Theo quan niệm của người Tày, người Giáy, khu vực có địa hình cao mang tính dương, khu vực có địa hình thấp mang tính âm. Vì vậy, khi kéo, nam giới đứng ở phía Tây, nữ giới đứng ở phía Đông. Cây dùng để kéo co thường là dây song (mây) hoặc dây “má me”, dây phải thẳng, dóng dài đều, gốc với ngọn tương đối đều nhau, thân càng dài càng tốt. Theo truyền thống của người Tày ở Bảo Nhai quy định đội nam kéo phần gốc dây, tương ứng với thân và đầu rồng; bên nữ sẽ kéo phần ngọn dây, tương ứng với đuôi rồng...

         Tại lễ hội các hoạt động của của huyện Bắc Hà đã thu hút đông đảo sự quan tâm, cổ vũ của nhân dân cũng như du khách thập phương khi đến tham quan tại lễ lễ Đền Trấn Vũ.

anh tin bai
Các hoạt động của đoàn Bắc Hà tại lễ hội thu hút đông đảo sự quan tâm cổ vũ của nhân dân và du khách tham quan lễ hội đền Trấn Vũ

         Trong lễ hội truyền thống Đền Trấn Vũ, ngoài phần lễ còn có phần hội với nhiều sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức cho nhân dân địa phương và du khách thập phương về hành lễ thưởng thức như: Tặng chữ, Tổ tôm điếm, văn nghệ quần chúng, nhảy dân vũ, thi đấu bóng chuyền hơi...mang lại không khí sôi động, vui tươi cho lễ hội.

         Tại lễ hội có thể thấy dù văn hóa, phong tục tập quán của các địa phương khác nhau, xong Kéo co tương đồng giữa các cộng đồng về ý nghĩa. Thông qua hoạt động kéo co, người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc.

         Tại buổi giao lưu, các cộng đồng Kéo co đã cùng nhau “Chung một sợi dây” thực hành các Nghi lễ Kéo co. Cũng là sự trao truyền những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp giữa các địa phương, dân tộc. Đây là hoạt động góp phần bảo tồn các nghi thức, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa nói chung và Nghi lễ và Trò chơi Kéo co nói riêng trong đời sống đương đại../.

Minh Tâm
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1