Khởi sắc nông thôn mới vùng cao Cốc Ly
Lượt xem: 584

Từ tỉnh lộ 153 theo con đường rải cấp phối vào thăm xã vùng cao Cốc Ly huyện Bắc Hà(Lào Cai)- nơi có công trình thủy điện, hồ sinh thái thơ mộng, rừng gỗ nghiến ngàn năm tuổi- cây di sản Việt Nam… chứng kiến những đổi mới to lơn đang diễn ra. Hai bên đường xưa chỉ có đồi và núi, thi thoảng có ngôi nhà gỗ của người dân nhỏ xíu nằm nép khiêm nhường giữa những vạt ngô. Nay mọc lên những thôn, bản trú phú, khu trung tâm xã trung tâm Hồ thủy điện hình thành khu dân cư, bản tái định cư tập trung với những dãy công trình nhà xây kiên cố, xây mới khang trang, thể hiện sức sống mới đang hiện hữu trên mảnh đất nơi thượng nguồn sông Chảy.

 

Nông thôn mới vùng cao Cốc Ly ngày một khởi sắc

Đưa chúng tôi đi thực tế thăm thú vùng cao, ông Nguyễn Tiến Hồng, bí thư  Đảng ủy , trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới  xã Cốc Ly cho biết; Đến nay, Cốc Ly đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt các tiêu chí khó đã được quan tâm thực hiện theo lộ trình và có cách làm phù hợp, nhất là trong thực hiện tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Hiện  trên địa bàn xã Cốc Ly tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 1.118/1.141 hộ, đạt tỷ lệ 97,98%; 23 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, nuôi trồng thủy sản bảo đảm quy định môi trường; Công tác vệ sinh, tu sửa bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường giao thông nông thôn; Hàng tuần các thôn tổ chức tổng vệ sinh thôn; các hộ dân tích cực vệ sinh nhà ở, chuồng trại chăn nuôi; mai táng phù hợp theo quy định và quy hoạch của xã; năm 2021 có 41 hộ nâng cấp nhà tiêu, hiện toàn xã có 1.098/1.141 hộ có nhà tiêu, đạt tỷ lệ 96,23%, trong đó có 855 hộ có nhà tiêu  hợp vệ sinh, đạt 74,93%; có 832/845 hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, đạt tỷ lệ 98,46%.

Tại thôn Nậm Hán 1, thôn được chọn phấn đấu hoàn thành thôn kiểu mẫu nông thôn mới cuối 2022 đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống và sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành, huyện và xã đã tạo điều kiện cho bà con nhân dân trong thôn đoàn kết phát huy nội lực , tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, công lao động để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt con đường nội thôn đã được bê tông hóa, các hộ đều làm dường liên gia giúp việc đi lại thuận tiện trao đổi buôn bán hàng hóa nông sản, các hộ dân trong thôn còn có ý thức vệ sinh môi trường khi hầu hết các hộ đều có nhà vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh và các công trình phụ trợ khác, ông Sầm Văn Dũng, trưởng thôn Nậm Hán 1, xã Cốc Ly tự hào cho biết.

Bên cạnh đó, xã Cốc Ly đã có những chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Nổi bật thời gian gần đây Cốc Ly trở thành xã đi đầu trong phong trào trồng quế của huyện. Hiện tổng diện tích quế toàn xã trên 1.200 ha, cây quế thích hợp với đồng đất vùng cao Cốc Ly, đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Tới thăm vùng đồi rộng lớn  trồng quế của gia đình anh Giàng Seo Sếnh, 38 tuổ, dân tộc Mông, thôn Thẩm Phúc, cũng là hộ nông dân trồng nhiều cây quế của xã hiện nay, gia đình anh hiện có gần 4 vạn cây quế tương đương diện tích 4 ha, từ 3-10 năm tuổi, anh Sếnh cho biết:  “ Thấy người Dao Nậm đét trồng quế giàu có, lại được cán bộ khuyến nông huyện, xã vận động, trong 3 năm 2013- 2015, gia đình bắt đầu chuyển đổi 3 mảnh đồi trồng ngô sang trồng cây quế, năm đầu trồng 6.000 cây, các năm sau trồng thêm từ 5000- 10.000 cây. Năm 2021, gia đình bắt đầu tỉa lá ở 3 mảnh đồi quế đầu tiên được gần 20 triệu đồng. Năm 2022 gia đình tiếp tục thu tỉa cành lá và chắc chắn sẽ thu cao gấp 3-4 lần năm trước. Với diện tích cây non hiện nay của gia đình trị giá trên 1 tỷ song để thua hoạch tỉa hàng năm lấy nguồn thu trang trải cuộc sống; chủ động chăm sóc cây đến 12- 15 năm tuổi bắt đầu thu hoạch cây, vỏ quế sẽ cho hiệu quả kinh tế cao".  Cây quế trên đồng đất vùng cao Cốc Ly đã và đang góp phần giúp  đời sống của đồng bào Mông, Dao, Nùng… từng bước cải thiện, nâng cao, có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.

 

Thêm nhiều hộ dân xã cốc Ly đầu tư mua giống, trồng quế với mong ước đổi đời, thoát nghèo, vươn lên

Đến Hồ Thủy điện Cốc Ly những ngày này dễ dàng bắt gặp trên lòng hồ có nhiều bè nổi được dựng lên để bà con người Mông, Dao nuôi cá lồng. Nghề nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện là thế mạnh ở vùng cao Cốc Ly đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu ổn định cho người dân; đặc biệt 02 năm gần đây một số hộ đã mạnh dạn nuôi cá tầm. Có đủ kiến thức kỹ thuật, anh Giàng Ly Cống ở thôn Cốc Ly Thượng, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà đã làm lồng nuôi để thả gần 1.000 con cá tầm giống. Điểm khác biệt rõ nhất khi nuôi cá đặc sản trong lồng bè, đó là anh Cống sẽ phải cho thức ăn vào sàng để thả xuống nước, cách làm này không bị tiêu hao thức ăn. "Loại cá này ăn chìm nên phải kiếm thức ăn chìm cho cá. Tôi vừa nuôi vừa tìm hiểu để làm sao nuôi cá được tốt nhất", anh Giàng Ly Cống chia sẻ. Có tiềm lực về kinh tế, hộ gia đình anh Cao Văn Quyền ở thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly đã đầu tư vài chục lồng để nuôi cá tầm. Từ 3 lồng nuôi ban đầu của dự án, hiện anh Quyền đã phát triển được gần 50 lồng nuôi. Khác với nhiều hộ dân, anh Quyền đã liên kết với HTX nông nghiệp Hoa Đào để có đầu ra ổn định ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay.

Trước đây, khi có các chương trình dự án hỗ trợ, Cốc Ly có đến gần 100 hộ nuôi cá. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc, nhiều hộ không đủ tiềm lực kinh tế để duy trì nên đã bỏ không nuôi cá tầm hoặc chuyển sang nuôi cá chép, cá trắm trong lồng bè. Hiện chỉ còn 25 hộ với 160 lồng cá tầm đang được chăm nuôi. Bà Lục Thị Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà cho biết: "Những năm trước số hộ đăng ký nuôi cá tầm cũng đông, nhưng một số hộ không có kinh phí để duy trì nên đã bỏ. Nếu bây giờ được đầu tư, hỗ trợ làm lồng, được vay vốn với lãi xuất thấp thì sẽ có khoảng 40 hộ tham gia nuôi cá tầm".

Việc phát triển thủy sản nói chung, cá tầm nói riêng trên hồ thủy điện Cốc Ly là hướng phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả thì rất cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa vận hành, điều tiết nguồn nước của nhà máy thủy điện với việc nuôi cá của nông dân, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Khi đó, nông dân sẽ có cơ hội làm giàu thực sự bền vững.

 

Phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện- hướng đi mới đúng đắn giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào Mông, Dao địa phương.

Cốc Ly có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, mạo hiểm...  bởi nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, nên thơ, truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc. Về Cốc Ly, ngoài “đặc sản” chợ phiên, nổi bật với rừng gỗ nghiến cổ thụ - nơi đây có cây gỗ nghiến nghìn năm tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam, một trong những cây gỗ nghiến lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có quần thể gỗ nghiến, trai được ví như kho báu của người dân Cốc Ly đang được gìn giữ bảo vệ. Đến Cốc Ly, thật thú vị trong ngày nắng đẹp đầu hạ này khi được khỏa nước trên lòng hồ thủy điện Cốc Ly. Nơi đây không chỉ tạo ra nguồn điện sáng mà còn tạo cho Cốc Ly có một cảnh quan hấp dẫn… Du thuyền trên hồ Cốc Ly, nhìn ngắm phong cảnh yên bình, thơ mộng với mặt nước trong xanh, hai bên triền núi bạt ngàn màu xanh của cây. Thú vị hơn cả là khi ngồi trên thuyền nhâm nhi món cá nướng thơm ngon từ những lồng cá mà người dân Cốc Ly đang nuôi trong lòng hồ. Đứng bên đập thủy điện, nhìn những thác nước xả xuống bọt tung trắng xóa, ầm ào, dưới ánh nắng chan hòa cũng tạo nên một không gian đẹp cho Cốc Ly.

Nơi đây đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch bởi nét mộc mạc chợ phiên, bởi rừng gỗ nghiến nghìn năm tuổi, bởi con người nơi đây thân thiện, mến khách. Ông Bồng Văn Phú, chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết; " Cốc Ly đã được  nâng cấp chợ văn hóa; mở đường giao thông vào khu cây nghiến di sản cấp Quốc gia; Đã có gần 50 hộ dân  hoạt động trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch du thuyền lòng hồ thủy điện; du thuyền xuống hang tiên, nuôi cá đặc sản, vận tải hàng khách đường sông... ".  Nhờ đó,  trung bình mỗi năm đã thu hút không ít  du khách trong và ngoài nước  đến thăm quan chợ phiên, hồ thủy điện, thăm quan rừng gỗ nghiến và cây nghiến di sản. Cốc Ly có tiềm năng lớn để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững ở vùng cao Bắc Hà.

 

Cây nghiến di sản Việt Nam ở thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly- điểm đến mới hấp dẫn của du khách

Phát huy kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Tiến Hồng, bí thư  Đảng ủy , trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới  xã Cốc Ly khẳng định trong năm 2022, xã Cốc Ly phấn đấu hoàn thành 02 tiêu chí, gồm số 14 về giáo dục và đào tạo và tiêu chí số 16 về văn hóa, phấn đấu có 02 thôn Lùng Xa 1 và Nậm Hán 1 đạt thôn kiểu mẫu nông thôn mới; và nâng cao các hợp phần tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu này, xã Cốc Ly chú trọng huy điộng các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, chú trọng phát huy nội lực, khơi dậy sức dân đoàn kết tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng vùng cao Cốc Ly ngày một đổi mới, ấm no, giàu mạnh, xứng đáng là trung tâm cụm xã ở khu vực hạ huyện vùng cao Bắc Hà ./.

Bài, ảnh: Tráng Xuân Cường

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1