Tà Chải xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao
Lượt xem: 308

Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, vì vậy ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2014, xã Tà Chải đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng bền vững. Trước những thành tích đã đạt được, ngày 01/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định số 1136/QĐ-UBND công nhận xã Tà Chải đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”. 

Một góc NTM đổi thay ở Tà Chải

Xã Tà Chải hiện có 775 hộ, 3.170 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết tập trung ở 6 thôn. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014, xã Tà Chải đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Thường xuyên tuyên truyền, làm tốt công tác huy động mọi nguồn lực thực hiện 18 tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao; trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đến hết năm 2021, toàn xã đã cứng hoá được 100% đường trục thôn, xóm, ngõ xóm được bê tông hóa, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn của xã được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo xanh - sạch - đẹp; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống xã hội, tỷ lệ kênh mương kiên cố bê tông đạt 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 100%; 03/03 trường học đạt chuẩn quốc gia; 98.9% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ xây dựng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2021 đạt 38,65 triệu đồng/người/năm tăng hơn 1,2 lần so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo của xã theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 1,99%, hộ cận nghèo 9,8%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; Nhóm tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục, hệ thống chính trị của xã đều đạt chuẩn nâng cao theo quy định; An ninh, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp

Để giữ vững các tiêu chí và xây dựng NTM nâng cao, chính quyền địa phương xã tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể đã có những cách làm sáng tạo để tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đồng thuận hưởng ứng đóng góp tiền của, hiến đất, ngày công lao động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, các tổ chức, đoàn thể đã phối hợp với chính quyền khuyến khích bà con nhân dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế từng bước có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của xã như cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi, du lịch, dịch vụ... Công tác  y tế  chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT hàng năm ngày một tăng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định. Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực đối với chương trình xây dựng NTM. Ông Vùi Văn Phù, Bí thư Chi bộ thôn Na Thá, xã Tài Chải chia sẻ: Nông thôn mới nâng cao đòi hỏi rất nhiều tiêu chí mới so với trước đây, đối với địa phương thì cũng rất là khó khăn nhiều cái. Thu nhập của bà con thì khó khăn do dịch covid-19, người dân có trồng cấy được gì cũng khó bán. Cái khó khăn nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, trong các cuộc họp thôn đều tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm…

Các nghệ nhân miệt mài dạy thế hệ trẻ làn điệu xòe truyền thống

Kinh tế phát triển là nền tảng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và mang lại sự hài lòng cho người dân. Gia đình anh Mai Nghĩa Cương ở thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, đã có nhiều năm trồng mận Tam hoa với gần 200 gốc. Đặc biệt, những năm gần đây được sự giúp đỡ của khuyến nông viên, vườn mận 2.000 mcủa gia đinh anh đều được chăm sóc, cải tạo theo đúng quy trình, nhờ đó mận cho quả to, đều, sản lượng và chất lượng được nâng lên rõ rệt. Có năm được mùa, được giá gia đình anh thu khoảng 170 triệu đồng từ bán quả mận. Nhận thấy hiệu quả từ cây mận Tam hoa mang lại nguồn lợi kinh tế, nhất là Bắc Hà ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm vườn mận, cách đây 2 năm gia đình anh Cương trồng thêm 5.000 m2 và dự tính sẽ tạo thành vườn trải nghiệm và bán sản phẩm cho du khách. Từ đó, kinh tế gia đình dần đi vào ổn định. Để vươn lên làm giàu, sẵn có vốn trong tay, anh Cương đã đi tìm thuê đất của người dân trong thôn để mở xưởng làm nghề mộc. Bước đầu anh Cương chỉ xây dựng một xưởng mộc nhỏ và bắt đầu từ việc làm những chiếc bàn, ghế, kệ, bàn thờ có mẫu đơn giản. Nhưng dần dần, anh đã mở rộng quy mô nhà xưởng, chịu khó học hỏi về phương pháp lựa chọn gỗ, về các mẫu thiết kế giường, tủ, bàn, đồ nội thất hiện đại. Từ đó, xưởng mộc của anh Cương ngày càng có uy tín, khách hàng ngày một nhiều. Nhờ vậy, quanh năm xưởng mộc nhà anh Cương làm không hết việc, phải thuê thêm 3 - 5 thợ mộc, trả lương từ 5 - 6 triệu đồng cho mỗi công nhân và mua thêm nhiều máy móc với kinh phí đầu tư trên 200 triệu đồng, mở rộng thêm xưởng sản xuất, mỗi năm nghề mộc cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Quyết tâm, ý chí, nghị lực, không lùi bước trước khó khăn, mang lại thành quả xứng đáng để người dân địa phương học tập noi theo. Anh Mai Nghĩa Cương, thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải tâm sự: Cái khó khăn đầu tiên để sản xuất là vốn, trước cũng có vay của Ngân hàng chính sách để phát triển nghề mộc, chế biến lâm sản. sau khi có vốn thì gia đình đầu tư trồng mận, mận dễ bán hơn các loại nông sản khác, từ đó có động lực hơn để phát triển…

Anh Cương giới thiệu sản phẩm với khách hàng

Với mục tiêu đưa địa phương hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Tà Chải đã tập trung xây dựng các mô hình cụ thể khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành những mô hình hiệu quả như mô hình chăn nuôi gia cầm bản địa tại thôn Na Pắc Ngam, quy mô chăn nuôi trên 10.000 con/năm, doanh thu bình quân các hộ tham gia mô hình đạt khoảng 260 triệu đồng/năm; Mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa của Công ty TNHH Anh Nguyên tại thôn Na Kim, quy mô chuồng trại khép kín trên 5.000m2, quy mô chăn nuôi 1.500 con/năm, doanh thu hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng; Mô hình trồng rau an toàn tại thôn Na Lo của Hợp tác xã rau quả sạch Bắc Hà, quy mô sản xuất 5.578,3m2, doanh thu bình quân 650 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân người lao động tham gia đạt trên 58 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó xã còn phát triển cây ăn quả ôn đới, tổng diện tích trồng toàn xã đạt 147,7ha, trong đó chủ yếu là mận Tam hoa 136,6ha, giá trị thu hoạch/ha mận đạt trên 300 triệu đồng. Thông qua các mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động trong độ tuổi tại địa phương. Bên cạnh đó xã còn phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng riêng của địa phương. Trứng gà đen Bắc Hà, được công nhận sản phẩm OCOP năm 2020; Mận Tam Hoa sấy dẻo” và Cốm Na Lo được công nhận trong năm 2021. Các sản phẩm OCOP của xã đã bám sát các yêu cầu của chương trình, phù hợp với thị trường, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm đặc sắc, có chất lượng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 02 hợp tác xã thành lập hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hoạt động hiệu quả, gồm: Hợp tác xã Quang Tom có địa chỉ tại thôn Na Pắc Ngam; Hợp tác xã rau quả sạch Bắc Hà, thôn Na Lo. Các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên kết theo chuỗi đạt hiệu quả; giải quyết việc làm cho 5 -10 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc HTX Quang Tôm, xã Tà Chải bày tỏ: Mình sinh ra và lớn lên cùng với cây mận, những năm gần dây giá của quả mận nhỡ thường rất bấp bệnh. Mình làm ra sản phẩm mận sấy dẻo này có thể bảo quản được lâu hơn, vận chuyển xa hơn. Thời gian tới mình sẽ mở rộng thị trường để có thể tiêu thụ được số lượng mận lớn hơn cho bà con địa phương…

Quy trình đóng gói sản phẩm mận sấy dẻo

Từ sự chung tay góp sức của Nhân dân, xã Tà Chải đã huy động được gần 15 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao. Trong đó, Nhân dân địa phương đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi trên 8 tỷ đồng, còn lại là các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Cùng với đó, xã có cảnh quan, không gian sống sáng - xanh - sạch - đẹp: Các khu dân cư tập trung, khu vực công cộng của xã đã có kế hoạch và huy động nhân dân thực hiện vệ sinh định kỳ 02 lần/tháng; không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi gây mất mỹ quan môi trường. Tất cả 13,59km/13,59km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; trong đó các tuyến trục xã và đường liên thôn được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, 5/6 thôn thực hiện trồng hoa tạo cảnh quan các tuyến đường của thôn. Đối với từng hộ gia đình đã thực hiện các biện pháp thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn; tham gia các hoạt động vệ sinh chung, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước, cam kết bảo vệ môi trường đã quy định.

Sản phẩm cốm Na Lo được công nhận sản phẩm Ocop

Với việc hoàn thành 18/18 tiêu chí của xã NTM nâng cao, trong tháng 6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký quyết định công nhận xã Tà Chải đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2021. Ông Sùng Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Tà Chải cho biết: Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu được xây dựng NTM là phục vụ lợi ích của nhân dân. Do đó, đã được sự đồng tình ủng hộ từ nhân dân. Để đạt được các tiêu chí thì nguồn lực đầu tư đóng vai trò hết sức quan trọng. Tiếp theo chúng tôi sẽ xây dựng các diểm vui chơi tại cho các thôn tại các nhà văn hóa để phục vụ nhân dân… Vấn đề vệ sinh môi trường là tiêu chí khó nhất, chúng tôi đã giao cho các đồng chí Thường trực, chi hội các đoàn thể phụ trách từng thôn. Hiện nay thì môi trường nông thôn đã được cải thiện. Riêng vấn đề môi trường công nghiệp thì còn rất nhiều khó khăn vì nhiều dự án quy hoạch chưa xong, nên việc thu gom sử lý chưa đảm bảo…

Các nhà vệ sinh mới được người dân xây dựng

Để xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cấp ủy, chính quyền xã Tà Chải đã có những giải pháp tập trung tuyên truyền người dân thực hiện một số tiêu chí theo hướng “dễ làm trước - khó làm sau”, như mở rộng đường liên thôn, vệ sinh môi trường… Còn các tiêu chí về cơ sở vật chất cần có sự đầu tư lớn về kinh phí, xã mong Nhà nước hỗ trợ. Cùng với đó, xã cũng đề nghị huyện, tỉnh kêu gọi đầu tư các mô hình sản xuất lớn, hiệu quả, đồng thời hỗ trợ đưa lao động làm việc tại các tỉnh và xuất khẩu lao động để nâng thu nhập cho người dân... Thời gian tới, xã Tà Chải tiếp tục thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025; tập trung xây dựng xã đạt tiêu chí “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025./.

Lê Hiếu

Trung tâm Văn hóa, TT – TT Bắc Hà

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1