Bắc Hà giữ gìn điệu xòe Tả Chải gắn với du lịch
Lượt xem: 249

         Đã từ lâu, xã vùng cao Tà  Chải được biết đến là địa phương giàu bản sắc văn hóa, nổi bật nhất là văn hóa Tày, với làn điệu The - Múa Xoè truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tạo cơ sở để xã Tả Chải giữ gìn, bảo vệ và phát huy gắn với phát triển dịch vụ- du lịch, mở ra cơ hội giảm nghèo nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vùng cao Tả Chải ngày một khởi sắc.

anh tin bai

Điệu xòe truyền thống dân tộc Tày xã Tả Chải hấp dẫn du khách

         Tả Chải nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, con người đôn hậu, mến khách... cùng truyền thống văn hóa Tày đậm đà bản sắc... Đó chính là những "lợi thế" để Tà Chải tạo "bứt phá" trong lĩnh vực phát triển du lịch - dịch vụ, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng homestay, du lịch bản làng, và thực tế, Tà Chải  đã  trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài tới tham quan, trải nghiệm hòa mình cùng với điệu xòe mê say, được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của cư dân nông nghiệp, hay tìm hiểu, khám phá những nét đẹp bản sắc văn hóa địa phương... 

         Trước đây, đội xòe của xã do nhóm nghệ nhân ở các thôn hợp lại, phục vụ trong các dịp lễ hội, các ngày lễ lớn. Khi xòe càng được nhiều người biết đến, nhu cầu thưởng thức nét đẹp văn hóa của người Tày Tà Chải được nhân lên, xã đã chỉ đạo thành lập các đội xòe ở các thôn, bản. Hiện, xã Tà Chải có 7 đội xòe ở 7 thôn và nổi tiếng nhất là 3 đội xòe Na Kim, Na Lo, mỗi đội từ 10 - 16 người thường xuyên biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của Tỉnh, huyện, Fesitival cao nguyên trắng Bắc Hà mùa xuân, hè, đông hằng năm, phục vụ các khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng… được khách du lịch trong nước và quốc tế yêu thích.

         Chúng tôi tới thôn Na Kim- nơi có Đội xòe thành lập đầu tiên của xã Tả Chải, đã có gần 30 năm biểu diễn phục vụ địa phương và khách du lịch. Trải qua thời gian, đến nay đội xòe còn phục vụ khắp tỉnh huyện, các làn điệu xòe ngày một đặc sắc, vừa giữ truyền thống, vừa được cải biên phù hợp với thời cuộc, tạo ấn tượng sâu đậm cho du khách.

         Mỗi khi rảnh rỗi, các thành viên đội văn nghệ thôn Na Kim, xã Tà Chải lại cùng nhau tập hợp, luyện tập múa xòe. Người biết nhiều dạy người biết ít, người lớn tuổi dạy người trẻ, với mong muốn điệu xòe được lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

         Người Tà Chải có câu; "Có gốc mới có ngọn, có cây mới có cành. Xòe Tà Chải là sự kế thừa và phát huy của bao thế hệ, đời ông cha đi trước truyền lại cho đời con cháu theo sau. Những thế hệ nghệ nhân đầu tiên như Vàng Văn Tỉ, Giàng Po Thai, Lăm Po Rằn... đã khuất núi, thế hệ lớp thứ hai như nghệ nhân Lâm Văn Lù, Vàng Thị Tiều... cũng chẳng còn nhiều. Nhưng “tre già măng mọc”, những “cây đại thụ”  xòe trên Tà Chải vẫn ngày ngày truyền dạy cho con cháu đời sau những làn điệu xòe truyền thống, giữ gìn hồn sắc dân tộc Tày nơi đây. Mà hiện nay ở thôn Na Kim,  Bà Vàng Thị Chung là điển hình tiêu biểu. Thông qua các buổi biểu diễn, ngày hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Bà Chung đã miệt mài truyền dạy cho con, cháu và nay là chắt các điệu xòe truyền thống của dân tộc mình, bà Chung chia sẻ; ‘mình già rồi, lúc nào cũng lo mất điệu xòe nhưng gần đây phát triển du lịch, nhất là các cơ sở homestay luôn có nhu cầu tuyển thanh niên trẻ biết múa xòe phục vụ du khách, có thu nhập lại giữ được xòe nên mình nghĩ còn sống ngày nào cố dạy cho các cháu thuộc hết, múa hay, dẻo”.

anh tin bai

Đội xòe Na Kim được du khách quốc tế và Việt Nam yêu thích, lựa chọn phục vụ mỗi khi đến với Bắc hà.

         Có những nghệ nhân tâm huyết, các thanh niên nam, nữ Na Kim đã miệt mài theo học nhằm giữ gìn và phát huy điệu xòe gắn với du lịch, trong đó chị Hoàng Thị Thúy, chủ homestay Hoàng thúy Na Kim đã học thành thục và chuyên tuyển đội xòe múa phục vụ du khách, vừa hút khách, vừa tạo công ăn, việc làm, thu nhập thêm cho đội xòe, chị Thúy  cho biết; ‘những năm gần đây khi du khách đến với Tả Chải, Bắc hà và homestay mình họ rất thích tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm mận, lê, đào… thưởng thức các món ăn dân tộc và rất thích xem múa xòe và hòa nhịp xòe đại đoàn kết sau một ngày trải nghiệm nên mình và nhiều bạn trẻ đã học thuộc và biểu diễn thành thục các điệu xòe, tham gia vào câu lạc bộ, đội xòe địa phương phục vụ du khách, tạo thêm công ăn, việc làm, thu nhập cho các bạn trẻ người Tày, Nùng, mông… địa phương

         Còn tại thôn kiểu mẫu nông thôn mới Na Lothành quả giữ gìn và phát huy điệu xòe gắn với du lịch được thể hiện rõ nét nhất hiện nay và thêm cơ hội khi thôn được lựa chọn xây dựng làng văn hóa- du lịch 3 sao đầu tiên ở Lào cai.  Hiện thôn có 6 nhà nghỉ homestay, trong đó có 01 cơ sở xây dựng mới năm 2019, đội xòe của thôn có 15 thành viên, đã duy trì hoạt động biểu diễn hơn 10 năm nay, tạo thu nhập thêm cho bà con trong thôn. Nghệ nhân Lý Thị Đanh là điển hình tiêu biểu khi thông qua các buổi biểu diễn, ngày hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bản thân đã truyền dạy cho con, cháu và nay là chắt các điệu xòe truyền thống của dân tộc mình, với mong muốn giữ gìn bản sắc và con cháu sống được từ việc làm này, bà Đanh chia sẻ.

anh tin bai

Đội xòe Na Lo là 1 trong 02 đội xòe được yêu thích, chuyên phục vụ du khách tại các homestay

         Xòe Tà Chải có 12 điệu, gồm 6 điệu xòe có nhạc đệm trống, chiêng và 6 điệu xòe nhạc đệm kèn, trống. Theo thời gian, người Tày nơi đây lại tiếp tục cho ra đời những điệu xòe mới, như xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè, xòe mời rượu... Sự ra đời của các điệu xòe mới làm cho kho tàng nghệ thuật xòe ngày càng thêm phong phú. Tiếng kèn, tiếng trống của ông, của cha như nhịp ru những đứa trẻ từ vành nôi, lớn lên đôi chút, đứa trẻ được ngắm nhìn điệu xòe của bà, của mẹ. Cứ vậy, vòng xòe của người Tày càng ngày càng rộng hơn, bởi thêm nhịp điệu, vòng tay của những thế hệ trẻ đang tiếp bước những điệu xòe truyền thống.

         Theo các nghệ nhân, việc học xòe không khó, nhưng để học được, chữ “tâm” còn được coi trọng hơn chữ “tài” rất nhiều lần. Bởi lẽ, chỉ có tài không chưa đủ, phải có tình yêu, nhiệt huyết với xòe mới có thể theo đuổi dài lâu. Đây cũng chính là một trong những khó khăn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xòe của người Tày Tà Chải. Việc giữ gìn xòe ở lớp thế hệ trẻ hiện nay gặp nhiều khó khăn, bởi có nhiều người vì cuộc sống đã chọn hướng đi khác để phát triển; trong các đội xòe chỉ còn số ít người trẻ ở lại gắn bó với nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo và kinh phí hoạt động cũng là những vấn đề mà xã đang gặp vướng mắc. Để khắc phục, xã đã xây dựng kế hoạch, lên phương án chỉ đạo các thôn, bản tiếp tục duy trì tổ chức thực hiện, hướng dẫn lớp trẻ các điệu xòe và kỹ năng chơi nhạc cụ; đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu giữa các đội xòe ở các thôn để thắt chặt thêm tình đoàn kết, khơi gợi niềm tự hào và đam mê của lớp trẻ ngày nay, ông Đặng Văn kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết.

         Là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, trong đó, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá Tày, biến di sản thành tài sản, mang lại nguồn lợi cho bà con được huyện Bắc Hà chú trọng. Ông Bùi Văn Vinh,  Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà khẳng định.

anh tin bai

Tại các sự kiện, hoạt động Festival Bắc hà, Điệu xòe luôn để lại ấn tượng với du khách và bà con nhân dân.

         Nghệ thuật The của người Tày ở Tà Chải có 12 làn điệu cổ được lưu truyền. Hình thành từ trong lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, bằng sự sáng tạo, các làn điệu xòe đã và vẫn được bà con lưu truyền. Những động tác uyển chuyển, linh hoạt nhưng vẫn giữ các động tác cơ bản, hồn cốt của Xoè hoà cùng tiếng trống, chiêng, tiếng kèn vang vọng trên “Cao nguyên trắng” như mời gọi du khách đến với vùng đất này.  Những năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển, Tà Chải là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Chính quyền xã và các ngành chức năng trên địa bàn đã và đang chung tay phối hợp giữ gìn và phát huy để tạo đà cho du lịch địa phương phát triển bằng việc đưa nghệ thuật xòe trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ du khách. Đây là cách làm hay, vừa lồng ghép, gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Qua đó để tinh hoa điệu xòe sống mãi với thời gian được bạn bè, khách du lịch thập phương yêu thích, say mê, đến với Bắc Hà khám phá, trải nghiệm./.

Bài, ảnh; Tráng Xuân Cường
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 1,653
  • Trong tuần: 26,020
  • Tất cả: 3,014,439