Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai
Bắc Hà là huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp, nền sản xuất còn mang nặng tính tự túc, tự cấp. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Hà đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú tới người dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, ổn định và phát triển kinh tế của địa phương.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Lào Cai về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND huyện Bắc Hà đã chỉ đạo, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, vai trò của lao động nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; vai trò của kỹ thuật, khoa học công nghệ trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn các huyện nghèo thường xuyên vận động, tư vấn đoàn viên, hội viên và lao động nông thôn của các huyện nghèo tham gia học nghề, tạo việc làm, tuyên truyền các mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm có hiệu quả và giới thiệu những gương tiêu biểu, điển hình trong phát triển kinh tế để người dân biết và tích cực tham gia học nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập góp phần cải thiện đời sống.

Người dân tham dự buổi tuyên truyền giới thiệu việc làm tại huyện Bắc Hà
Về nội dung tuyên truyền. Chủ yếu là về các văn bản của Trung ương, của tỉnh và của huyện về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chế độ đối với người học nghề, các thông tin tuyển dụng lao động ở trong và ngoài nước. Đồng thời, tập trung vào giới thiệu các thông tin về các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc và đào tạo nghề trong nước và thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Về hình thức tuyên truyền. Đã tiến hành tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau. Tự tổ chức tuyên truyền hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thu hút đông đảo người lao động tham gia. Đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của các xã, thị trấn; qua cổng thông tin điện tử của địa phương. Thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp - giới thiệu việc làm và các phiên giao dịch việc làm.
Trong giai đoạn 2022 - 2023 huyện đã tổ chức 10 hội nghị tại các xã triển khai các chính sách về việc làm, lao động và thị trường lao động. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai tổ chức 5 hội nghị tại các xã với 362 lao động tham dự. Phối hợp với công ty Cổ phần Nhân lực – Thương mại Vinaconex tổ chức 5 hội nghị tại các xã để tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Algeria. Huyện đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm tại các xã với 186 lao động tham dự. Phối hợp với sở Lao động – TB&XH tỉnh Bắc Giang, Công ty SARAM VINA tổ chức 4 hội nghị tại xã với tổng số 165 lao động tham dự. Phối hợp với sở Lao động – TB&XH tỉnh Lào Cai, tổ chức AEA tổ chức 1 ngày hội việc làm tại Chợ văn hóa Bắc Hà với hơn 300 lượt người tham dự.
Quang cảnh buổi tập huấn Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ việc làm tại huyện Bắc Hà
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyên truyền về đào tạo nghề trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Nội dung, hình thức tuyên tuyền chưa thực sự sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người lao động ở nông thôn, đối tượng chủ yếu là các cháu học sinh đang theo học tại các trường học trên địa bàn.
Chưa tổ chức được nhiều chiến dịch truyền thông, các chương trình, sự kiện, cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu nhằm tôn vinh người học, nhà giáo, người dạy nghề, cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, lao động có kỹ năng, các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Đa số người dân còn tâm lý coi trọng việc học đại học, coi việc học nghề chưa phải là chỗ dựa vững chắc đối với việc lập nghiệp, tìm việc làm và tự tạo việc làm ổn định lâu dài của người lao động.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên là do những nguyên nhân như: Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là công tác kiêm nhiệm. Việc điều tra, khảo sát thực tế nhu cầu học nghề và nắm bắt thị trường lao động ở một số địa phương cơ sở chưa sát với thực tế dẫn đến lựa chọn đăng ký nghề để mở lớp dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động, thiếu sự gắn kết giữa tư vấn học nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm sau khi học nghề. Nhận thức của một bộ phận người dân chưa thấy hết được vai trò, lợi ích của việc học nghề cũng như vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Hà, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền trong công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu bám sát kế hoạch thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch và đào tạo nghề, tuyên truyền cụ thể, sát hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương, đơn vị.
Tiếp tục lãnh đạo đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đẩy mạnh việc tuyên truyền các tấm gương điển hình tiêu biểu. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền. Sử dụng hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, thông qua các ấn phẩm tuyên truyền.
Quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng ưu tiên cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của địa phương và ứng dụng công nghệ thông tin.
Hai là, lựa chọn nội dung tuyên tuyền thiết thực
Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho người lao động tham gia học nghề, chuyển đổi việc làm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ hội tìm kiếm việc làm tại các cơ sở tuyển dụng lao động trong và ngoài nước. Tuyên truyền, quảng bá sự phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa, con người, các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút các nhà đầu tư tại địa phương nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.
Ba là, đổi mới hình thức tuyên truyền
Cần đa dạng hình thức tuyên truyền như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Face book…), trong đó cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng qua mạng xã hội.
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng về giáo dục nghề nghiệp, xây dựng các video ngắn giới thiệu, tư vấn cho người lao động trên nền tảng Face book, fanpage. Tổ chức nhiều hơn các buổi tư vấn, hướng nghiệp trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục, người tuyển dụng lao động với người lao động, phụ huynh, học sinh các trường THPT trên địa bàn. Xây dựng các bài phát thanh (bao gồm cả tiếng kinh và tiếng dân tộc thiểu số) phát tại các thôn, bản, tổ dân phố. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền
Đội ngũ này cần thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền. Phải có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của người dân tộc bản địa, phải có sự hiểu biết về văn hóa, phong tục, lối sống, phương pháp canh tác của từng đồng bào dân tộc thiểu số. Được cập nhật các tài liệu về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và của địa phương về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm chắc thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo nghề để có thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động nông thôn. Cần xác định tuyên truyền không chỉ để có nhiều người đi học nghề mà quan trọng hơn là sau khi học xong nghề, người dân có thể tự tạo việc làm, có việc làm bằng nghề đã học hoặc được đi làm việc ở các doanh nghiệp, công ty.
Có cơ chế, thù lao hợp lý cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp chuyên nghiệp nhằm phát huy hết khả năng, trách nhiệm của họ trong việc tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Năm là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền
Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong việc thông tin chính xác, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật và tình hình chấp hành pháp luật. Nâng cao chất lượng các chuyên mục trong các trang thông tin điện tử của địa phương. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật trên nền tảng kỹ thuật số.
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần làm cho công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Hà đi vào thực chất hơn, đạt hiệu quả tốt hơn, người dân sẽ tin hơn và làm theo chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước và địa phương từ đó nâng cao đời sống của người dân và đưa Bắc Hà phát triển sánh ngang với các địa phương khác của tỉnh.