Ngay sau đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu và được các đảng bộ triển khai đó là tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng các xã nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đề ra.
Những
ngày này, người dân Bắc Hà ra sức thi đua lao động, sản xuất, khẩn trương thu
hoạch nốt diện tích ngô hè thu và chuẩn bị bước vào thu hoạch lúa mùa. Các xã
trong huyện tranh thủ làm đất trồng cây dược liệu. Theo kế hoạch của huyện, năm
2015, toàn huyện sẽ trồng 34 ha cây dược liệu, hiện tại đã trồng được gần 20
ha, sẽ phấn đấu trồng xong 10 ha cây atiso trong tháng 9 và trồng 4,7 ha cây
đương quy vào đầu tháng 10. Đây là chương trình nằm trong dự án phát triển cây
dược liệu của huyện Bắc Hà đã được triển khai nhân rộng từ năm 2013 đến nay,
nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, tăng thu nhập trên
một đơn vị canh tác cho người dân. Từ chủ trương này, nhiều xã trong huyện đã
đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật vào canh tác, tạo những đổi thay căn bản về cơ cấu kinh tế nông
nghiệp ở các xã vùng cao trong huyện. Đây cũng là một trong những tiêu chí để
xây dựng nông thôn mới ở Bắc Hà được đẩy mạnh trong những năm qua.
Đồng chí
Lê Văn Khiêm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Hà cho biết: Mặc dù là huyện nghèo
của cả nước, đang thụ hưởng chính sách 30a, nhưng với quyết tâm trong công tác
chỉ đạo, triển khai thực hiện và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chương trình
xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện, Bắc
Hà đã có xã Tà Chải đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện
nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng đề án trọng tâm
về nông thôn mới, trong đó quyết tâm phấn đấu đưa xã Bảo Nhai “về đích” nông
thôn mới vào cuối năm nay; các xã Na Hối, Bản Phố, Nậm Đét phấn đấu trong giai
đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
|
Xã Na Hối (Bắc Hà)
phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2016.
|
Đặc biệt,
với sáng kiến xây dựng “thôn nông thôn mới”, huyện Bắc Hà đã tổ chức cho các xã
đăng ký để thực hiện, mỗi xã chọn một thôn làm điểm để nhân rộng khi thành
công. Hiện tại, huyện Bắc Hà chọn thôn Na Hối Nùng (xã Na Hối) làm điểm của cả
huyện và đang ráo riết chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền xã Na Hối cùng nhân dân
thôn Na Hối Nùng vào cuộc, phấn đấu về đích cuối năm 2015. Cũng theo đồng chí
Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Hà thì huyện đang nỗ lực, tập trung cao độ,
quyết tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn đảm bảo
“làm đến đâu bền vững đến đó”, không ồ ạt, chạy theo số lượng. Do đó, bên cạnh
các nguồn lực của Nhà nước, huy động từ sức dân, từ nay đến năm 2017, huyện sẽ
triển khai thực hiện mô hình Làng Mới của Hàn Quốc (Sameul Undong) tại 2 thôn
Nậm Mòn Hạ, Cốc Cài…trong chương trình hỗ trợ từ dự án “Hạnh phúc Lào Cai”
triển khai tại huyện Bắc Hà.
Với Bảo
Thắng, một huyện trọng điểm của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, thời gian
qua, từ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở các xã đã về đích là bài học để
vận dụng linh hoạt ở các xã đang trong giai đoạn hoàn thành các tiêu chí. Dồn
sức và tập trung mọi nguồn lực để đưa các xã về đích “đúng hẹn” là điều mà Đảng
bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã nỗ lực cao nhất để
thực hiện. Đồng chí Nguyễn Quang Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho
biết: Chương trình nghị sự được đặt lên bàn của bí thư cấp ủy cơ sở, trưởng các
ban, ngành của huyện ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII chính là tăng
tốc xây dựng nông thôn mới. Hiện, các xã trong huyện, nhất là các xã đang trên
chặng đua nước rút về đích nông thôn mới đều thể hiện rõ quyết tâm cao nhất.
Để làm
được điều này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ
huyện nhiệm kỳ mới thành những dự án cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu
quả. Nổi bật nhất là huyện đã xây dựng xong 5 đề án về phát triển kinh tế nông
- lâm nghiệp: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển cây ăn quả hàng hóa, xây dựng
thương hiệu nhãn na; Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; Thâm canh phát triển chế
biến xây dựng thương hiệu chè Bảo Thắng; Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trong đó, đề án xây dựng nông thôn mới là một trong những đề án trọng điểm mà
huyện đang chỉ đạo quyết liệt và sát sao.
Để 3 xã
Xuân Giao, Xuân Quang, Sơn Hải về đích nông thôn mới vào cuối năm 2015, huyện
đã thành lập 3 tổ công tác, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nắm các tiêu chí đã
thực hiện, chủ động, kịp thời có giải pháp thực hiện các tiêu chí còn khó khăn.
Thực tế, ở Bảo Thắng, các tiêu chí được quan tâm nhất, đó là thu nhập, hộ
nghèo, nhà ở dân cư và môi trường. Do vậy, Đảng bộ huyện đang tập trung chỉ đạo
cả 3 xã, quyết tâm đến 20/9, sẽ hoàn thành 2 tiêu chí là nhà ở dân cư và môi
trường.
Không chỉ
Bắc Hà, Bảo Thắng, mà các địa phương khác trong tỉnh đã và đang dồn mọi quyết
tâm, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đề ra.
Mỗi địa phương có một cách làm hay, sáng tạo, dấy lên phong trào thi đua sôi
nổi rộng khắp trong chặng đua về đích nông thôn mới với quyết tâm cao nhất.
Đồng chí Bùi Công Khanh, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới của
tỉnh cho biết: Năm 2014, tỉnh Lào Cai có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông
thôn mới, dự kiến năm 2015 sẽ có thêm 11 xã đạt chuẩn. Giai đoạn 2016 - 2020,
tỉnh Lào Cai phấn đấu có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ không
đơn giản, bởi khối lượng công việc rất lớn, trong khi nguồn lực trực tiếp đầu
tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới hạn chế. Do đó, các địa phương trong
tỉnh cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của
cả hệ thống chính trị vào cuộc; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn
mới; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô
hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân; đa
dạng hóa các nguồn lực đầu tư, gồm ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, ODA, vốn
của doanh nghiệp, các tổ chức khác và từ nguồn lực nhân dân. Đặc biệt, phát huy
vai trò nòng cốt của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong xây
dựng nông thôn mới gắn với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; thường xuyên
kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Làm tốt
công tác thi đua - khen thưởng, tạo động lực để người dân tham gia chung sức
xây dựng nông thôn mới.