Bác Hồ căn dặn đồng bào Lào Cai về xây dựng đời sống mới
Lượt xem: 849
 

Trong 6 bức thư, bài huấn thị, bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào và nhân dân Lào Cai, Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ thuần phong mỹ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, như văn hóa giáo dục, văn hóa vật chất, tinh thần. Những yếu tố đó hợp thành chỉnh thể của một nền văn hóa, mà theo Người đó là một nền văn hóa đầy tính nhân văn, văn hóa - xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền văn hóa mới, theo Người là phải bảo vệ những thuần phong mỹ tục của đồng bào. Khi biết tin đồng bào Mông ở Lào Cai trước đây 99% là mù chữ, thì bây giờ đã “có chữ viết của dân tộc mình”. Đó là thắng lợi rất to lớn. Thắng lợi đó là thắng lợi của việc thực hiện chính sách dân tộc, nhưng đó cũng là thắng lợi của công cuộc xây dựng nền văn hóa mới nâng cao dân trí cho nhân dân, giữ gìn bảo vệ văn hóa của dân tộc. Đó chính là sự thành công của nhiệm vụ chống giặc dốt - 1 trong 3 thứ giặc mà dân ta phải chống khi ấy.

Theo Người, bên cạnh việc giữ gìn những giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc, để xây dựng xã hội mới, văn hóa mới cần phải xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Vì vậy, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, công nhân và nhân dân Lào Cai, Người chỉ rõ nguyên nhân và tác hại của mê tín dị đoan, phong tục tập quán lạc hậu: “Vì hoàn cảnh lạc hậu mà có những nơi và những dân tộc theo mê tín, còn giữ những phong tục tập quán không tốt, có hại cho vệ sinh, hại cho sản xuất, thậm chí hại đến sự sống và phát triển của cả dân tộc ấy”.

 emoticon

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu nữ thanh, thiếu niên tỉnh Lào Cai, ngày 24/9/1958.

Xây dựng đời sống văn hóa mới là phải xây dựng lối sống mới, nếp sống mới. Theo Người, lối sống mới là sống có lý tưởng, có đạo đức. Đó còn là lối sống văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hoà truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Nếp sống mới là nếp sống văn minh, là quá trình làm cho lối sống mới dần dần trở thành thói quen, thành phong tục tập quán tốt đẹp, kế thừa và phát triển, những thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Cải tạo những phong tục tập quán cũ, lạc hậu, bổ sung những cái mới, tiến bộ. Để xây dựng đời sống văn hóa mới ở Lào Cai, Người vừa căn dặn, vừa hướng dẫn đồng bào Lào Cai phương thức để xây dựng đời sống văn hóa mới: “Cán bộ và đồng bào phải chịu khó giải thích cho họ hiểu rõ, để họ tự giác tự nguyện học những tập quán tốt, bỏ những phong tục xấu để tiến bộ dần. Nhưng tuyệt đối không được dùng cách áp bức, mệnh lệnh”.

Cuối năm 1946, với bộn bề công việc, nhưng Người vẫn không quên một việc rất nhỏ là đã nhận được thư và cái gậy của thiếu nhi Sa Pa (Lào Cai) tặng, ngày 19/11/1946, Người đã viết thư cho gửi nhi đồng Sa Pa: “Các cháu yêu quý, Bác đã nhận được thư và hai cái gậy rồi. Cảm ơn các cháu. Tuy Bác ở xa, nhưng lòng Bác nhớ đến các cháu luôn luôn. Bác khuyên các cháu giữ gìn kỷ luật và ra sức học hành. Cháu nào chưa biết chữ quốc ngữ, phải học cho biết. Cháu nào biết rồi, thì gắng giúp anh em chị em học cho biết. Làm sao cho đồng bào ở Xã Ba ai cũng biết chữ quốc ngữ, thì Bác sẽ vui lòng và khen các cháu ngoan”. Viết cho các cháu nhi đồng Xã Ba, nhưng Người lại gửi gắm trong đó là mong muốn đồng bào Xã Ba ai cũng biết chữ quốc ngữ. Người mong đồng bào Lào Cai, mong con dân của nước Việt được học hành để góp phần xây dựng nước nhà.

Trong bài báo “Một thắng lợi mới” của Người đã ghi nhận, khen ngợi thành tích thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào Mông bằng tiếng Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà. Đó là vào cuối năm 1959, trường học ở Bản Phố được thành lập. Những năm 1960, 1961, phong trào dạy và học chữ Mông ở đây rất phát triển, người già, trẻ em, đàn ông, đàn bà đều đi học. Những lớp học thực chất chỉ là nhiều nhóm người đủ các lứa tuổi tập hợp ở những gia đình có nhà rộng, có khi kê ghế ngồi học ở chái nhà, hoặc ăn cơm xong dọn dẹp mâm, bát rồi kê ghế học. Giáo viên vừa đi học nâng cao, vừa đi dạy, biết thêm chữ nào dạy lại chữ ấy, dạy xong điểm này lại đến điểm khác dạy tiếp. Rồi người biết chữ dạy người chưa biết chữ; người biết nhiều chữ thì dạy cho người chưa biết nhiều chữ, đông vui lắm, tinh thần học tập rất cao. Nhờ vậy, đại đa số người dân ở Bản Phố đã biết đọc, biết viết chữ Mông. Người ghi nhận, khen ngợi thành tích thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào Mông bằng tiếng Mông của xã Bản Phố, huyện Bắc Hà và nhấn mạnh: “Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình”. Tư tưởng về giáo dục của Người thể hiện sự công bằng, bình đẳng trong quan điểm giáo dục cho mọi người, tinh thần giáo dục ấy mang tính nhân văn cách mạng cao đẹp và tiến bộ. Người coi đó là một trong những điển hình của thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta và là thắng lợi đầu tiên của đồng bào Mông về mặt văn hoá.

Trong bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc và cán bộ, bộ đội, công nhân tỉnh Lào Cai, Người căn dặn 4 điều: Đoàn kết chặt chẽ, tăng gia sản xuất, trật tự an ninh, thuần phong mỹ tục. Để thực hiện những điều trên thì việc đầu tiên Người nhắc nhở: “Phải ra sức bồi dưỡng, giáo dục, cất nhắc cán bộ dân tộc và địa phương”... Trong đó, Người nhấn mạnh: Một là, cán bộ các dân tộc phải cố gắng học tập để tiến bộ, đoàn kết chặt chẽ với cán bộ miền xuôi, tránh tư tưởng dân tộc hẹp hòi; Hai là, dù lúc đầu những cán bộ ấy có trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít, công tác chưa quen, cán bộ lãnh đạo phải chịu khó dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày họ sẽ tiến bộ. Muốn công tác tốt trong các dân tộc, trong các địa phương nhất định cần phải có cán bộ của các địa phương ấy.

Việc giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, khỏi mọi sự tha hoá, để mưu cầu hạnh phúc không phải ở thiên đàng, mà ngay trên trần thế. Người còn nói: “Cán bộ địa phương thường có tâm lý tự ti cho mình là văn hóa kém, chính trị kém không muốn làm cán bộ. Như thế là không đúng, nếu như thế không ai làm việc cho đồng bào cả. Việc làm đây là do cán bộ địa phương tự làm lấy. Vì vậy, cho nên còn kém thì phải học. Nhiều cái mình chưa biết, nhưng có quyết tâm học thì phải biết, nhất định phải biết. Biết là tiến bộ”. Có như vậy mới “làm cho miền núi kịp tiến miền xuôi”.

Những lời dạy của Người về xây dựng đời sống mới, phát triển giáo dục đề cập trong các bức thư gửi đồng bào Lào Cai không chỉ là vấn đề của riêng Lào Cai, không chỉ là vấn đề có ý nghĩa ở thời điểm đó, mà đó là tư tưởng lớn mang tầm lý luận, có giá trị lâu dài đối với Lào Cai nói riêng, sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của cả nước nói chung.



Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1