Bản Liền: Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 194

         Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở xã Bản Liền huyện Bắc Hà đã gắn với thực tế, nhu cầu của người học. Bước đầu tạo nên bức tranh đa dạng trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã.

         Chị Lâm Thị Hành – Thôn Đội 3 xã Bản Liền trước đây chỉ quen với làm nương rẫy. Trong 3 năm gần đây, khi các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn thường xuyên được mở trên địa bàn xã. Chị Hành đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp đào tạo hướng dẫn về kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng. Khi có kiến thức, chị đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư làm dịch vụ du lịch. Đến nay, sau 3 năm khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, đồng thời vừa làm vừa học hỏi, bước đầu Homestay Trà Hill của gia đình chị Hành đã được biết đến là địa chỉ quen thuộc của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi đến với Bản Liền. Chị Lâm Thị Hành – HomeStay Trà Hill - Thôn Đội 3 xã Bản Liền chia sẻ: “Gia đình làm du lịch cộng đồng bắt đầu từ năm 2019. Ban đầu làm thì rất là khó khăn, chưa biết kỹ năng làm du lịch Home stay là như thế nào; biết home stay là gì? Qua các lớp dạy nghề bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng, mình cảm thấy thấy rất ý nghĩa và đã tự tin hơn. Từ đó, lượng khách biết và đến với gia đình cũng nhiều hơn”.

anh tin bai

Chị Lâm Thị Hành (ngoài cùng bên trái ảnh) thực hành giới thiệu HomeStay trong lớp học nghề kỹ năng du lịch cộng đồng

         Cũng như chị Hành, anh Giàng Ly Pao cùng với nhiều hộ dân ở thôn Nậm Thảng xã Bản Liền đã đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi được mở ngay tại nhà văn hóa trung tâm thôn. Với đặc thù là địa bàn vùng cao, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm được coi là thế mạnh của thôn. Tuy nhiên, trước đây, việc chăn nuôi theo phương thức truyền thống cùng với việc thiếu những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đã làm giảm hiệu quả kinh tế đáng kể của bà con. Từ thực trạng này, người dân trong thôn đã tích cực tham gia đầy đủ các buổi học để có kiến thức và chủ động hơn trong phát triển chăn nuôi của gia đình. Anh Giàng Ly Pao – Thôn Nậm Thảng – xã Bản Liền cho biết: “Bây giờ đã mở lớp chăn nuôi thú y tại thôn, bà con ở đây rất là mừng. Học xong sẽ tiếp thu được những kiến thức cơ bản về cách sử dụng thuốc, chăn nuôi, cách làm để sau này chăn nuôi cho phát triển nhiều hơn nữa”.

         Là xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà. Trong những năm gần đây, Bản Liền đã có những bước phát triển đáng kể và đang trong lộ trình phấn đấu về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, việc triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã tạo nên những hiệu quả rõ nét. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt trên 32%. Lao động có văn bằng chứng chỉ đạt trên 20%. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 35 triệu đồng/người/năm. Xã hình thành thêm một số lĩnh vực phát triển kinh tế mới, mà điểm nhấn nổi bật chính là phát triển du lịch cộng đồng. Các mô hình phát triển kinh tế khác như sản xuất chè hữu cơ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề truyền thống cũng đã tạo nên giá trị kinh tế cao hơn so với trước đây. Ông Đặng Hùng Cường – Chủ tịch UBND xã Bản Liền huyện Bắc Hà cho biết: “Xã đã phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn, như: Lớp trồng nấm, lớp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lớp du lịch, lớp xây dựng…hướng học viên có những kiến thức cơ bản để sản xuất cũng như phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương”.

anh tin bai

Diện mạo nông thôn Bản Liền ngày càng đổi mới

         Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phù hợp với yêu cầu thực tế. Đến nay, không chỉ ở Bản Liền, mà nhiều lao động ở các địa phương vùng cao khác của huyện Bắc Hà đã phát huy được kiến thức, biết cách làm ăn, nâng cao năng suất lao động. Số liệu thống kê cho thấy, lực lượng lao động qua đào tạo của huyện đến hết năm 2021 đã được đào tạo nghề từ dưới 3 tháng trở lên, chiếm  31,87%. Mặc dù tỷ lệ chưa cao nhưng đối với một địa bàn vùng khó khăn thì đây cũng là những kết quả quan trọng, là tiền đề để Bắc Hà tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của vùng cao Bắc Hà trong giai đoạn đổi mới hiện nay./.

Ngọc Thủy
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1